Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Quảng Ninh: Dạy nghề, tạo việc làm, góp phần giúp trẻ em khuyết tật hoà nhập cộng đồng
10:37 AM 25/10/2021
(LĐXH) Nhằm giúp trẻ em khuyết tật ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền con người và hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua, công tác kết nối dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật đang được Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai tại cộng đồng và bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Tính đến ngày 15/5/2021 tỉnh Quảng Ninh có 325.436 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 3.195 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (2.797 trẻ em khuyết tật), 12.865 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng, nhằm hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Các chính sách đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể cải thiện sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Trẻ em khuyết tật tham quan, tìm hiểu các công đoạn của quá trình sản xuất hàng may mặc
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có HCĐBKK, trẻ em khuyết tật ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền con người và hòa nhập cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa người bình thường và người khuyết tật tại nơi cư trú, trong những năm qua, công tác kết nối dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai tại cộng đồng và bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Trong vòng 5 năm (2015 – 2020), các nhân viên CTXH của Trung tâm đã tiến hành khảo sát đối với trên 860 trẻ em có HCĐBKK, trẻ em khuyết tật có độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi tại 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; khảo sát trên 300 cơ sở dạy nghề, 300 cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghềvà kết nối thành công cho trên 90 trẻ được tiếp nhận vào học nghề, trong đó có 10 trẻ khuyết tật.
Trẻ em khuyết tật làm việc tại một cơ sở sản xuất hàng may mặc
Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2020-2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại thành phố Móng Cái, thị xã Đông Triều; triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu học nghề của 250 trẻ em khuyết tật để thu thập thông tin về nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và gia đình trong việc học nghề, tìm việc làm phù hợp với điều kiện và khả năng lao động của các em. Đồng thời tiến hành khảo sát 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên 2 địa bàn nêu trên về ngành nghề kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động, các mức chi trả lương và hỗ trợ cho lao động khi làm việc tại doanh nghiệp để so sánh với nguyện vọng, mong muốn của các em, qua đó tư vấn, kết nối sao cho khả năng tìm việc làm của các em sau khi học tập, ra nghề đạt mức khả quan nhất. Nhóm khảo sát trao đổi, vận động các cơ sở, doanh nghiệp nhận dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại địa phương theo hình thức cầm tay, chỉ việc.
Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng được mối quan hệ với trên 85 cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng nhận dạy nghề đối với trẻ em có HCĐBKK nói riêng và đối tượng yếu thế nói chung, song do những hạn chế về tình trạng sức khoẻ, khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật nên kết quả đạt được chưa được như mong muốn. Kế hoạch kết nối dạy nghề, tạo việc việc làm cho trẻ em khuyết tật năm 2021 đặt ra chỉ tiêu kết nối cho 30 trẻ em, tuy nhiên trong số 250 trẻ khuyết tật được khảo sát, hiện mới có 15 trẻ có nhu cầu, đủ điều kiện, khả năng tham gia học nghề và đã được kết nối đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để được học nghề. Các ngành, nghề trẻ khuyết tật học chủ yếu kinh doanh về thủ công, mỹ nghệ, cắt - gội - uốn tóc, may mặc, sửa chữa xe máy - xe đạp điện...
Qua theo dõi, bước đầu các em đã làm quen với công việc và đang tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu của nghề. Tất cả các em đều rất vui mừng, phấn khởi, chú tâm học hỏi vì đã có cơ hội được học một nghề và tiến tới có một công việc để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình cải thiện cuộc sống.
Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh và các nhân viên công tác xã hội sẽ tiếp tục thực hiện công tác theo dõi, giám sát hoạt động dạy nghề cho trẻ tại các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời hỗ trợ những khó khăn, bất cập của trẻ và gia đình trong quá trình học nghề. Trên cơ sở trẻ học thành nghề, tiếp tục hướng đến hoạt động gắn với tạo việc làm nhằm giúp trẻ tự tin, có thu nhập ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.
Mỹ Linh
 

 

TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng