An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ninh: Đa dạng hình thức hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững
10:40 AM 29/09/2022
(LĐXH) – Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững. Người dân không chỉ nhận hỗ trợ một cách thụ động, mà đã chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Anh Lưu Văn Bình là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu ở thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, thành công trong mô hình nuôi gà thương phẩm. Khởi nghiệp từ năm 2016 với đàn gà 300 con thử nghiệm với không ít lần thất bại, đến nay anh đã phát triển đàn gà lên gần 7.000 con, gồm cả giống gà hồ Bắc Giang và gà bản Đầm Hà. Mỗi lứa gà xuất bán cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận gần 700 triệu đồng/năm. Anh Bình cho biết: Những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhất là các cấp hội nông dân luôn tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như vay tín chấp lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt... đã giúp anh thêm mạnh dạn, quyết tâm khởi nghiệp và thành công.
Anh Lưu Văn Bình ở thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà thành công với mô hình nuôi gà thương phẩm
Đã có hàng trăm đoàn viên, hội viên trong huyện được tạo điều kiện tối đa để phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện có hiệu quả phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức đoàn thể, hiện tổng dư nợ gần 270 tỷ đồng với trên 3.800 khách hàng vay vốn. Các mô hình, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở vùng nông thôn, miền núi được đẩy mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số của huyện.
Để hỗ trợ sinh kế cho người dân, huyện Đầm Hà rà soát thực tế nhu cầu của người dân các xã, thôn để xây dựng kế hoạch, lựa chọn mô hình hỗ trợ sản xuất sao cho hiệu quả, sát thực tế nhất. Đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số, công tác trợ giúp sẽ linh hoạt bằng cách tư vấn, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi; ưu tiên các mô hình tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp, nhằm khuyến khích các hộ nhỏ lẻ tích cực liên kết sản xuất theo chuỗi. Đến nay huyện có 174ha cây ăn quả các loại, 5 HTX và 178 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng; sản lượng vỏ quế tươi hằng năm từ 600-1.000 tấn, 1/3 trong đó được chế biến và xuất bán ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, huyện có những chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản tại địa phương thay vì chỉ sản xuất thô; phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, như gà bản, củ cải, gạo bao thai, trứng vịt biển, hải sản chế biến... Hỗ trợ sản xuất đã giúp người dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật; người nghèo không còn tư tưởng ỷ lại, thụ động.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đẩy mạnh đưa nông sản phẩm Đầm Hà lên sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối lớn trong nước, như postmart.vn, voso.vn... Huyện đã phê duyệt dự án mở website quảng cáo, bán hàng với 8 đơn vị tham gia, có sản phẩm OCOP đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên. Qua đó giúp các cơ sở gặp gỡ nhiều bạn hàng, trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng, vị thế sản phẩm...
Còn tại huyện Tiên Yên, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 24 dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng số 540 hộ được hưởng lợi. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,8 tỷ đồng, thực hiện các mô hình nuôi lợn, trâu, bò, gà, dê, cây ăn quả... Bắt tay vào thực hiện các dự án, đa số hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đã có ý thức trong xây dựng và thực hiện dự án, xây dựng, tu sửa chuồng nuôi, bố trí lao động tham gia sản xuất. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, các hộ nuôi gà Tiên Yên thu nhập bình quân đạt 25-40 triệu đồng/hộ, các hộ nuôi trâu, bò tiếp tục cho trâu, bò sinh sản.
Từng thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chị Lương Thị Hương ở thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên được các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của xã giúp đỡ cách làm, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị Hương đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu hoạch, ước tính thu về 40 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Vườn cây ăn quả của gia đình chị Lương Thị Hương cho thu hoạch ước tính thu về 40 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Năm 2021, qua tổng rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Tiên Yên còn 66 hộ nghèo (tương đương 0,52%), 187 hộ cận nghèo (tương đương 1,4%). Tỷ lệ hộ nghèo của Tiên Yên đứng thứ 7/13 địa phương, tỷ lệ hộ cận nghèo thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh.
Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, trong 2 năm 2020 và 2021, huyện Tiên Yên đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 505 lao động nông thôn (17 lớp) với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề trở lên cho 269 lượt HSSV với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, bằng nguồn huy động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, 2 năm qua huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hơn 934 triệu đồng.
Có thể thấy với các hình thức hỗ trợ sinh kế không chỉ hỗ trợ “cần câu” bằng nguồn vốn, cây, con giống mà còn chỉ cho người dân “cách câu cá” thông qua việc định hướng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo