Quảng Ninh: Chung tay bảo vệ trẻ em trước xâm hại tình dục
(LĐXH) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em luôn để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho trẻ. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, thời gian qua, tình trạng XHTD trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em
Ở tuổi 15, khi các bạn còn đang vô tư cắp sách đến trường thì em Đ.H.T (TP Hạ Long) đã phải làm mẹ. T là nạn nhân của xâm hại tình dục mà thủ phạm lại chính là người cha dượng.
Bố mẹ ly hôn, sau đó mẹ kết hôn với một người đàn ông đã từng có vợ và một con riêng. Sống trong cảnh gia đình có cả con chung, con riêng cộng với điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất nên T ít được quan tâm, chăm sóc. Thêm vào đó, để mưu sinh, mẹ em thường phải đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, có khi là cả đêm, đây chính là kẽ hở để bố dượng thực hiện hành vi đồi bại với con gái của vợ.
Khi vụ việc bị phát giác thì T đã mang thai 5 tháng. Bố dượng của T đã bị Công an bắt giữ để điều tra về hành vi XHTD trẻ em, cháu T sau đó cũng đã được bà ngoại đón về chăm sóc. T luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, e ngại trong tiếp xúc với người lạ và luôn lo lắng sự việc bị lộ. Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên lo lắng do thiếu thông tin, kiến thức về việc mang thai, chăm sóc thai nhi và trẻ nhỏ.
Chị D.T.C (Phường Cao Xanh- TP Hạ Long) có con gái năm nay 14 tuổi, em bị người đàn ông hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần, mỗi lần thực hiện hành vi của mình, ông ta cho em 50 nghìn đồng và dọa nạt không được nói cho ai biết.Vụ việc xảy ra tháng 11/2015 và ngay sau khi bị phát hiện nghi phạm đã bỏ trốn, gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo từ tháng 3/2016, nhưng đến nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
Ngoài những vụ XHTD trẻ em kể trên, theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2011- 2016 có 89 trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Riêng trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2015 đến 15/11/2016, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ xâm hại 23 trẻ em (4 nam, 19 nữ), trong đó XHTD 14 vụ/14 trẻ em.
Bà Lê Thị Hồng Thái, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục đang ngày càng nhức nhối. Nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào và không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn và trẻ em có thể bị xâm hại tình dục ngay dưới mái trường, nơi công cộng hay trong ngôi nhà của chính mình. Nếu như những năm trước đây, xâm hại tình dục thường xảy ra với trẻ trên 10 tuổi thì thời gian gần đây lại xảy ra nhiều với những trẻ em gái chỉ mới 6 - 7 tuổi. Thậm chí, có những trường hợp bé gái mới 3 tuổi, bé trai mới 5 tuổi. Và điều đáng chú ý là đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ với gia đình nạn nhân.
Qua những vụ XHTD trẻ em cũng cho thấy nhận thức của trẻ và của chính gia đình trẻ về vấn đề XHTD, về sức khoẻ sinh sản và về pháp luật còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là nhiều trẻ thiếu thốn sự quan tâm, yêu thương của gia đình. Mặt khác, khi sự việc xảy ra, gia đình không kịp thời tố giác nên cơ quan chức năng thiếu cơ sở để luận tội dẫn đến tội phạm chưa bị xử lý nghiêm minh, do đó tác dục giáo dục, răn đe còn hạn chế. Đây là những nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị XHTD rất đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian qua và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Nạn nhân của các vụ XHTD dù ở trường hợp nào cũng đều sẽ gây ra những hệ lụy về cả sự phát triển thể chất và tâm lý về sau. Đặc biệt là nhiều trẻ em ở một số vụ XHTD đã phải làm mẹ bất đắc dĩ ở tuổi vị thành niên.
Chung tay bảo vệ trẻ em trước xâm hại tình dục
Trước những diễn biến phức tạp của nạn XHTD, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa XHTD trẻ em và trợ giúp trẻ em bị XHTD.
Hằng năm, với chức năng nhiệm vụ là bảo vệ quyền của trẻ em, sở LĐTBXH đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền tại cộng đồng về kiến thức bảo vệ trẻ em; phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng, phát hành các phóng sự, ấn phẩm truyền thông để tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em... Trong giai đoạn 2011-2016, Sở LĐTBXH đã tổ chức 126 buổi tuyên truyền tại cộng đồng cho 56.266 người nuôi dưỡng và trẻ em về các kiến thức bảo vệ trẻ em; tổ chức được 30 hội thi, diễn đàn trẻ em với chủ đề về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thu hút sự tham gia của 56.266 trẻ; duy trì đội tuyên truyền viên măng non của 196 trường THCS trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền các nội dung kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa XHTD trẻ em; xây dựng 13 phóng sự, 73 videoclip tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em, phát hành 171.700 tờ rơi, sách bỏ túi về xâm hại trẻ em; thành lập 05 Văn phòng Công tác xã hội cấp huyện (Móng Cái, Hạ Long, Tiên Yên, Uông Bí, Quảng Yên); 08 Văn phòng CTXH cấp xã, 04 Văn phòng CTXH trường học, thành lập đường dây tư vấn miễn phí 18001769. Qua đó, đã thực hiện việc tư vấn tâm lý, can thiệp hỗ trợ cho trẻ em có HCĐB nói chung, trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng.
Năm 2012, Tỉnh thành lập Ban điều hành (BĐH) hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) các cấp từ tỉnh đến xã, trong đó: Đồng chí Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã làm trưởng ban, ngành LĐTBXH là phó ban thường trực, các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Y tế, Văn hóa, Công An, Hội LHPN, Đoàn TN là thành viên. Tỉnh cũng đã ban hành quy trình can thiệp, hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp và trường hợp trẻ em bị XHTD. Thông qua đó, BĐH hệ thống BVCSTE đã phối hợp để trao đổi thông tin, can thiệp, hỗ trợ và giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục. Cụ thể, khi cán bộ ngành LĐTBXH tiếp nhận được thông tin có trẻ em bị XHTD, sẽ có công văn gửi các ngành như: Công an để xác minh, cung cấp thông tin, điều tra xử lý; chỉ đạo các đơn vị liên quan để tư vấn, hỗ trợ, kết nối các dịch vụ cho trẻ và gia đình trẻ (hỗ trợ giáo dục, khám giám định sức khỏe, tư vấn tâm lý, hướng dẫn trợ giúp pháp lý và các thủ tục pháp lý về tố cáo).
Mới đây, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, ngày 28/3/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn số 2004/UBND-VX2 yêu cầu Sở LĐTBXH chủ động phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em và tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm, người trực tiếp làm việc với trẻ. Đặc biệt văn bản còn chỉ đạo rà soát việc điều tra, xử lý tất cả các vụ xiệc XHTD trẻ em và nêu rõ “Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em tại địa phương mình”. Qua đó, các Sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành công văn thực hiện các giải pháp phòng chống XHTD trẻ em.
Có thể thấy, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh đã thực sự vào cuộc trong “cuộc chiến” chống nạn XHTD trẻ em. Tuy nhiên thời gian qua, công tác phòng ngừa cũng như giải quyết các vụ việc về XHTD trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn do: Nhiều gia đình chưa nhận thức được đầy đủ về nguy cơ XHTD trẻ em nên việc phòng, chống XHTD trẻ em bị coi nhẹ; Nhận thức và hiểu biết chưa toàn diện của trẻ khiến cho trẻ khó tự bảo vệ mình, dễ bị xâm hại; Sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, những trang web đen khó quản lý chặt chẽ, khó kiểm soát và loại trừ cũng làm phát sinh vụ việc XHTDTE; Các vụ án xâm hại tình dục là các vụ án nhạy cảm, người bị hại thường có có tâm lý e ngại, không muốn vụ việc được đưa ra xét xử công khai; Pháp luật chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em nạn nhân của xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục khi tham gia vào quá trình tố tụng; Thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại; Thiếu những quy định cụ thể về xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; Hệ thống bảo vệ trẻ em thiếu cơ chế, giải pháp đặc thù như: bố trí người giám sát trẻ em nơi công cộng, trên đường đi học về; thiết bị giám sát, phát hiện, báo động nguy cơ mất an toàn cho trẻ em...
tại tọa đàm Lá chắn cho vấn nạn “Xâm hại tình dục trẻ em”
Về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Thái cho rằng, quy định về mức hình phạt hiện nay đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật nhưng vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này. Bà Thái cho rằng, cần tăng mức hình phạt đối với các tội XHTD trẻ em nhất là đối với tội phạm có tính chất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng (XHTD trẻ nhỏ tuổi, trẻ bị khuyết tật, tâm thần, hiếp dâm nhiều lần, hiếp dâm có tổ chức, gây thương tích nặng hoặc tử vong cho nạn nhân, làm nạn nhân có thai, tâm thần, tự tử, ...). Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giám sát trong việc giám sát các cơ quan, cá nhân thực thi pháp luật và đề nghị xử lý khi vi phạm các quy định về thực hiện quy trình điều tra, xử lý chậm chễ, bỏ sót, bao che cho tội phạm hoặc xử lý chưa đúng tội...; Bổ sung các quy định bắt buộc về sự tham gia của người giám hộ/ nhân viên công tác xã hội/ cán bộ bảo vệ trẻ em trong quá trình tham gia điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trước Tòa; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý người biết mà không tố giác tội phạm hoặc bao che cho tội phạm xâm hại trẻ em; Bổ sung quy định về xử lý người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho trẻ biết mà không tố giác hoặc bao che cho tội phạm xâm hại trẻ em để bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp và bảo đảm tinh thần của Luật trẻ em là mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ.
Là một người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực BVCSTE, bà Thái có lời khuyên với các gia đình khi chẳng may con em bị xâm hại: Việc đầu tiên là phải tố cáo hoặc báo cáo ngay vụ việc kèm theo các chứng cứ nếu có, càng sớm càng tốt cho cơ quan công an hoặc qua đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em (TW: 18001567 hoặc của tỉnh là 18001769) hoặc qua tổ chức ngành LĐTBXH, Hội phụ nữ ở các cấp. Việc tố cáo sớm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, điều tra, xác minh, bắt giữ tội phạm và giám định tổn thương của trẻ, đó là những cơ sở rất quan trọng để xử lý tội phạm kịp thời. Thứ hai là cộng tác tích cực với cơ quan công an trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ việc, giám định tổn thương của trẻ. Đồng thời phải có biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ, an ủi, động viên, quan tâm để trẻ nói hết sự thật. Đặc biệt là không che giấu tội phạm (kể cả đối tượng tình nghi là người thân trong gia đình), không dùng biện pháp thỏa thuận với tội phạm vì mục đích của thỏa thuận sẽ không bao giờ đạt được, tội phạm chỉ vờ thỏa thuận để tìm kế hoãn binh hoặc bỏ trốn. Không tố cáo tội phạm cũng đồng nghĩa với tiếp tay cho tội phạm, khi tội phạm nhởn nhơ không bị pháp luật xử lý thì con em mình sẽ sống trong sợ hãi, khủng hoảng khó có khả năng hồi phục, có em tự vẫn. Mặt khác nạn nhân có nguy cơ cao bị xâm hại thêm nhiều lần nữa hoặc có thêm những đứa trẻ vô tội khác bị chính tên tội phạm đó xâm hại. Thứ ba là đề nghị các cơ quan bảo vệ phụ nữ, trẻ em (Hội PN, LĐTBXH) vào cuộc và có các biện pháp trợ giúp trẻ và gia đình.
“Gia đình là nơi quan trọng nhất và có trách nhiệm cao nhất trong việc bảo vệ trẻ. Vì vậy, song song với trang bị kiến thức, kỹ năng gia đình phải có các biện pháp quản lý, giáo dục trẻ để đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Và khi trẻ có dấu hiện bị xâm hại thì gia đình phải là người đầu tiên lên tiếng bảo vệ trẻ, tìm lại sự công bằng cho trẻ và cũng là để loại trừ tội phạm ra khỏi xã hội, xây dựng môi trường sống trong sạch, yên bình; xây dựng cộng đồng, xã hội văn hóa, văn minh” – bà Thái nhấn mạnh./.
Nguyễn Hiền
TAG: