Quảng Ninh: Chú trọng giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã miền núi, biên giới.
Huyện Quảng Ninh hiện có 2 xã miền núi có đồng bào Vân Kiều sinh sống là xã Trường Xuân và xã Trường Sơn với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng trên 93 nghìn hecta (chiếm 78% diện tích tự nhiên của toàn huyện). Đây là 2 xã có địa hình hiểm trở; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn với trên 90% lao động sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung của toàn huyện (xã Trường Sơn 45,2%, Trường Xuân 43,3%).
Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trên địa bàn, những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất tại 2 xã khu vực miền núi. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, huyện Quảng Ninh đã huy động gần 40 tỷ đồng từ các nguồn vốn chương trình 135, ngân sách trung ương, tỉnh, huyện… để đầu tư phát triển hạ tầng. Những công trình, như: đường vào bản Sắt, dự án định canh định cư bản Chân Trộng, khai hoang đất sản xuất ở bản Sắt, Trung Sơn, Ploang và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung..., bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển kinh tế các xã khu vực miền núi theo hướng bền vững, lâu dài, huyện Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. UBND tỉnh thu hồi đất của các công ty lâm công nghiệp, các nông lâm trường giao về địa phương quản lý, huyện đã giao xã Trường Sơn thực hiện xây dựng phương án giao đất. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, UBND xã Trường Sơn đã xây dựng phương án giao đất rừng sản xuất, rừng cộng đồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trình UBND huyện phê duyệt và đã giao đất, giao rừng cho 276 hộ và 8 cộng đồng dân cư với tổng diện tích giao đất, giao rừng là 2882,9 ha.
Huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí 2,1 tỷ đồng để giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 5.737 ha; hỗ trợ các loại cây, con giống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất, như: trồng sắn xen keo sau giao đất, giao rừng; trồng nhân rộng giống ngô HN88 trên địa bàn 2 xã đưa lại hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm; xây dựng và nhân rộng mô hình gà đồi… Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình, dự án khác; đồng thời tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo.
Song song với đầu tư phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội trên địa bàn 2 xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đến nay, nhân dân trên địa bàn 2 xã đã đóng góp xây dựng được 30 nhà văn hóa thôn, bản; 2 trạm truyền thanh không dây, bước đầu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng dân cư.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa từng bước được quan tâm. Năm 2017, xã Trường Sơn có 781/1.123 hộ đạt gia đình văn hóa (đạt 70%), có 8 thôn, bản đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa; xã Trường Xuân có 496/699 hộ đạt gia đình văn hóa (đạt 71%), có 5/10 thôn, bản đạt thôn bản văn hóa.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, các dịch vụ y tế ngày một đa dạng. Đến nay, 2 trạm y tế xã đã có bác sĩ, 100% thôn bản có cán bộ y tế thôn bản.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền vận động làm chuyển biến nhận thức về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; thúc đẩy và phát huy tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, dự án trên cơ sở ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Minh Hưng
TAG: