Quảng Nam: Nỗ lực thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách trợ giúp người khuyết tật (NKT), qua đó giúp cho đối tượng vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Bé tự tin vượt lên số phận để sống tốt hơn cho mình và cho xã hội
Anh Nguyễn Yên (thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc) sau khi rời quân ngũ vào TP.Hồ Chí Minh học nghề, đi làm. Nhưng một vụ tai nạn giao thông đã khiến chân anh bị thương nặng và vĩnh viễn không thể đi lại như bình thường. Trở về quê nhà, Yên thành NKT, anh chán nản khi thành gánh nặng cho gia đình. Gia đình, bạn bè, và những người lớn tuổi cũng là NKT ở địa phương đã thường xuyên động viên, giúp đỡ anh Yên. Anh đã được tạo điều kiện gặp mặt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với người đồng cảnh ngộ.
Anh Yên cho biết: “Tham gia những cuộc gặp NKT, có nhiều người bị khuyết tật nặng hơn tôi mà vẫn tự tin sống vui vẻ, hòa nhập với cuộc đồng, nỗ lực lao động để không phải phụ thuộc vào ai. Được sự động viên, tôi mạnh dạn mở một xưởng mộc để nuôi sống bản thân, lo cho gia đình”.
Cơ sở mộc Minh Yên của anh Yên chuyên đóng bàn, ghế, tủ văn phòng, được người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị tin tưởng sử dụng. Xưởng mộc giải quyết việc làm cho một NKT khác với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Qua kênh vay vốn của Hội NKT Quảng Nam, năm 2021, cơ sở đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 90 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Quầy hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Bé (thôn La Tháp Đông, Duy Hòa, Duy Xuyên) thường xuyên có khách hàng ra vào. Bằng nghị lực của bản thân, bà Bé nuôi sống cả gia đình nhờ vào quán tạp hóa này. Bà bị khuyết tật cả 2 chân do đụng phải bom mìn sau chiến tranh, nhưng đã lạc quan vượt qua mặc cảm về thân thể.
Làm mẹ đơn thân, ngoài nuôi con, bà còn phụng dưỡng mẹ già chu đáo và nuôi đứa cháu ăn học đến nơi đến chốn. Bà Bé còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội NKT huyện Duy Xuyên, dạy cho nhiều NKT nghề làm vàng mã. Bà cùng nhiều chị em khác thay phiên nhau vào bệnh viện chăm sóc khi có NKT ốm đau cần chữa trị. Với uy tín của mình, bà được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên (ra mắt ngày 21.3.2022).
Nhà chờ xe buýt sau khi được cải tạo đảm bảo an toàn cho người khuyết tật
Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch Hội Người mù - khuyết tật huyện Duy Xuyên, từ khi có Luật NKT, NKT đã được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và chính sách nhà nước hỗ trợ. Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật đến từng NKT giúp họ tự tin hơn rằng họ được bảo vệ bởi quy định của pháp luật. Từ các nguồn hỗ trợ, hội trao vốn sinh kế, vốn quay vòng lãi suất thấp cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống. Nhiều lớp dạy nghề đã triển khai, tạo cơ hội cho NKT có việc làm ổn định. Hội còn phối hợp thực hiện nhiều dự án việc làm và tăng cường vị thế cho NKT… giúp họ tiếp cận dịch vụ xã hội, hòa nhập và vươn lên.
Thực hiện chính sách trợ giúp y tế, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) từ năm 2015 được Sở Y tế giao là đơn vị đầu mối phối hợp cùng tổ chức IC triển khai dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận các dụng cụ trợ giúp có chất lượng cho NKT vận động, từ đó tạo điều kiện cho NKT tốt hơn trong cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng”. Tính đến hết tháng 9.2021, dự án đã lần lượt triển khai tới Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Hội An và Tam Kỳ với hơn 4.000 NKT thụ hưởng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giữa tháng 8.2021, tổ chức IC đã có sáng kiến khám trực tuyến cho NKT để xác định nhu cầu về dụng cụ trợ giúp và theo dõi định kỳ sau khi tiếp nhận, đưa Quảng Nam trở thành tỉnh đầu tiên áp dụng cách thức này. Hoạt động khám lại trực tuyến đã được triển khai tại 7 địa phương cho 465 NKT. Trong thời gian tới, hình thức khám trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng và mở rộng. Trong các bệnh viên công lập và tư nhân, NKT đã được tạo thuận lợi, ưu tiên khi khám chữa bệnh. Các bệnh viện đều có đầu tư khoa phục hồi chức năng, giúp NKT được phục hồi, trị liệu tốt hơn. Bác sĩ được hỗ trợ đào tạo về phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu tham gia khóa đào tạo ngắn hạn, làm quen từng dạng tật để có cách điều trị phù hợp. Sự vào cuộc của các hội, các tổ chức đã hỗ trợ NKT xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, nạn, nẹp, khung đứng, phục hồi chức năng cho hơn 1.000 NKT, hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho 500 trẻ em... với giá trị hơn 115 tỷ đồng.
Đối với tiếp cận về giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã xác định rõ trách nhiệm, luôn tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tiếp cận và tham gia giao thông thuận tiện, an toàn; tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Sở đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho NKT; quán triệt lái xe, nhân viên hướng dẫn NKT sử dụng chỗ ngồi ưu tiên, hỗ trợ lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý; có lộ trình thực hiện đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ NKT như xe buýt sàn thấp, các công cụ hỗ trợ lên, xuống… Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật NKT cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS, việc đưa vào thí điểm 2 tuyến buýt mẫu gồm Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, Tam Kỳ - Hội An - Điện Ngọc đã đảm bảo tiếp cận cho NKT. Xe buýt được lắp đặt hệ thống rao trạm dừng và màn hình hiển thị thông tin lộ trình điểm dừng, tuân thủ quy định về hỗ trợ NKT. Nhờ thiết bị này, người khiếm thính nhìn màn hình sẽ nắm bắt những thông tin về nội quy xe buýt, giá vé, lịch trình xe chạy… Với người khiếm thị, họ sẽ nghe loa rao vị trí xe chuẩn bị dừng để biết mình đã đi đến đâu, hoặc chủ động chuẩn bị xuống xe nếu gần tới điểm cần xuống.
Công ty còn thực hiện miễn, giảm giá vé từ 50 - 100% tùy theo đối tượng NKT; phát hành miễn phí 153 thẻ đi xe buýt thông minh cho NKT. Sở GTVT sẽ nhân rộng mô hình tuyến buýt mẫu ra 3 tuyến gồm Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Bắc Trà My và Tam Kỳ - Đại Lộc; cải tạo một số nhà chờ xe buýt đảm bảo NKT tiếp cận, sử dụng. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thanh thừa nhận, hoạt động trợ giúp NKT trong lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều khó khăn. Như trên đường bộ, phần lớn quy mô của các đơn vị kinh doanh vận tải khách còn nhỏ lẻ, chi phí đầu tư phương tiện có công cụ hỗ trợ cho NKT cao hơn so với phương tiện thông thường mà mức độ sử dụng thấp, do vậy doanh nghiệp chưa thực hiện. Việc xây dựng hoặc cải tạo hạ tầng giao thông để NKT dễ dàng tiếp cận chưa đồng bộ; chưa xây dựng được các tuyến phố, khu vực đường dành riêng cho đối tượng này. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo cho NKT sử dụng. Vận tải buýt được xã hội hóa 100%, nguồn lực của các đơn vị còn hạn chế, nên kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé không cao. Công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho NKT cũng chưa triển khai được.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi Luật NKT có hiệu lực, từ cấp xã, 241 hội đồng xác định mức độ khuyết tật được thành lập và hỗ trợ NKT hiệu quả. Các chính sách dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT đều được thực hiện đảm bảo hàng tháng theo các quy định của Trung ương và tỉnh. Ngoài các chế độ hỗ trợ cho NKT theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã có các Nghị quyết 49, 02 tiếp tục hỗ trợ NKT sống trong hộ nghèo nâng cao mức sống lên 1,5 lần so với Nghị định 136. Nguồn ngân sách tỉnh chi trả hoàn toàn, với kinh phí hơn hơn 27 tỷ đồng cho 8.936 NKT được thụ hưởng chính sách. Chính sách hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng, đề xuất của nhân dân và chính quyền địa phương, cơ sở, góp phần cải thiện thu nhập hàng tháng, tạo điều kiện sống tốt hơn và động lực vươn lên cho NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc hộ nghèo. NKT đã được tạo điều kiện tham gia giáo dục hòa nhập, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, tham gia các hoạt động gặp mặt, giao lưu, giải trí, tiếp cận vốn vay ưu đãi... Trong giáo dục, học sinh khuyết tật được hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa, được thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, miễn học phí, tuyển thẳng vào trung học phổ thông.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Luật NKT ở Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn như: Một số NKT có thể vươn lên, nhưng vẫn còn nhiều NKT chưa tự tin, không dám hòa nhập bởi mặc cảm. Trong xã hội vẫn còn nhiều người có cái nhìn phân biệt, thiếu công bằng với NKT. Trong đào tạo nghề, NKT tham gia học nghề rất thấp vì gia cảnh khó khăn, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nên khó tổ chức dạy của cơ sở đào tạo. Khi nhiều doanh nghiệp vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì giải quyết việc làm cho NKT là điều rất khó khăn. Do đó, để NKT có thể hòa nhập, tiếp cận với cuộc sống, cần bản lĩnh của mỗi người cũng như sự hỗ trợ của xã hội, của chính sách. Các địa phương khi đưa ra chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cần lồng ghép các hoạt động, công trình cho NKT tiếp cận, thụ hưởng./.
Hồng Phượng
TAG: