An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Nam: Nhân rộng các dự án, mô hình giảm nghèo hiệu quả
11:57 AM 25/10/2024
Nằm trong khuôn khổ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai thực hiện các dự án ở 02 huyện Nam Trà My và Tây Giang tại các xã vùng núi.
Mô hình nuôi ngan tại xã Ch’Ơm- xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tây Giang
Đó là các dự án: Trồng cây Đẳng sâm xen ngô nếp phát triển kinh tế miền núi tỉnh Quảng Nam (xã Ch’ơm, huyện Tây Giang) và Trồng cây dược liệu đương quy phát triển kinh tế miền núi tỉnh Quảng Nam (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My); Chăn nuôi ngan địa phương sinh sản miền núi (xã Ch’ơm, huyện Tây Giang); Nuôi cá diêu hồng, rô phi chính kết hợp các loài cá khác (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My). Tổng giá trị các dự án nói trên hơn 1 tỷ đồng.
Đây là những mô hình hay để giảm nghèo bền vững, giúp giải quyết được lực lượng lao động nông nhàn tại vùng núi; Đồng thời tạo được công ăn việc làm mới, giảm áp lực khai thác bất hợp pháp vào rừng tự nhiên, gây nguy hại môi trường và những hệ quả khác cho xã hội.
Mục tiêu tổng quát của các dự án là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đồng thời khai thác có hiệu quả hơn về tiềm năng đất đai, lao động và điều kiện sinh thái của khu vực. Mô hình nông nghiệp hiện đại, trồng dược liệu dưới tán rừng góp phần cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các cây dược liệu (Đương quy, Đảng sâm) thành vùng nguyên liệu tập trung tạo sản phẩm có giá trị kinh tế, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra còn khai thác tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ ở vùng miền núi, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nuôi cá nước ngọt. Tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, phong phú, cải thiện bữa ăn đủ đạm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân vùng cao.
Đối tượng được hỗ trợ từ các dự án là những người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo; Tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Các hoạt động chính của dự án tập trung vào: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trên địa bàn nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi trồng; Hỗ trợ cây, con giống và phân bón; Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng công đoạn trong quy trình nuôi, trồng chăm sóc, phòng, chống, xử lý dịch bệnh, phối trộn thức ăn chăn nuôi cho đến khi có kết quả. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời hướng dẫn xử lý khi có vấn đề xảy ra.
Các dự án nói trên được triển khai thực hiện tại các xã nghèo miền núi là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng sâu, vùng xa tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho bà con vùng núi, làm quen với phát triển kinh tế hộ gia đình trên diện tích đất mình có, không để đất trống đồi núi trọc; Giải quyết được lực lượng lao động nông nhàn tại vùng núi; đồng thời tạo được công ăn việc làm mới, giảm áp lực khai thác bất hợp pháp vào rừng tự nhiên, gây nguy hại môi trường và những hệ quả khác cho xã hội; đồng thời làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Mặt khác các dự án nói trên cũng giúp cho người dân biết làm nông nghiệp theo hướng mới, có hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mở ra con đường làm kinh tế hiệu quả, giúp người nông dân tiến tới làm giàu trên chính mãnh đất quê hương của mình; Dự án cũng tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm một cách bền vững theo kế hoạch với số lượng lớn, tập trung tạo thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh về canh tác cây dược liệu;  Dự án có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Sản xuất đồng bộ, thống nhất, dễ dàng kiểm soát chất lượng. Các dự án nói trên cũng tạo ra được nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ bữa ăn hàng ngày, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ gia đình, nâng cao mức sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững ngoài ra còn thực hiện được mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hầu hết người dân ở các địa bàn triển khai dự án rất phấn khởi khi được tham gia triển khai các mô hình. Đây là điều kiện giúp họ phát triển kinh tế và thoát nghèo một các bền vững. Về phía lãnh đạo UBND các xã triển khai dự án đã cam kết phối hợp chặt chẽ cùng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để tổ chức tốt các nội dung dự án đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam phê duyệt./.
Thu Hương
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật