An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
08:53 PM 28/10/2024
(LĐXH)- Là một nội dung trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dư án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đang được tỉnh Quảng Nam thực hiện hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My
Trong giai đoạn 2021-2024, thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ kinh phí 78,3 tỷ đồng (Ngân sách trung ương 70,8 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh 7,47 tỷ đồng) cho Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, các ngành, địa phương đã khảo sát, triển khai xây dựng và thực hiện 65 dự án (30 hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuổi giá trị, 35 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng) trên địa bàn các huyện Tiên Phước, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My và Phước Sơn… (chăn nuôi heo cỏ địa phương, nuôi bò cái lai và tiêu thụ bò thịt, chăn nuôi dê sinh sản, trồng và tiêu thụ môn hương, chuối lùn, trồng quế, trồng sâm Ngọc Linh...) với 1.570 hộ dân tham gia (948 hộ nghèo, 168 hộ cận nghèo, 192 hộ mới thoát nghèo, 402 hộ DTTS, 253 hộ có thành viên là người có công cách mạng). Hầu hết các dự án đã được phê duyệt, đang triển khai thực hiện, đến ngày 30/6/2024 đã giải ngân 18,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,07%. Hiện nay, các địa phương được giao vốn đang hoàn thiện các dự án để phê duyệt, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có hơn 20 dự án được phê duyệt và triển khai. Ước giải ngân đến 31/12/2024 được 46,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60%. Số tiền còn lại đề xuất điều chuyển sang các Dự án khác có khả năng giải ngân theo Nghị quyết số 111/2024/QH15.
Đối với Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 24,7 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2023, 2024 cho Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện. Theo đó, các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch để làm cơ sở triển khai thực hiện, tính đến tháng 6/2024 mới chỉ giải ngân được nguồn kinh phí 563 triệu đồng để thực hiện hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thôn bản. Ước giải ngân đến 31/12/2024 được 16,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67%. Số tiền còn lại đề xuất điều chuyển sang các Dự án khác có khả năng giải ngân theo Nghị quyết số 111/2024/QH15.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh Quảng Nam, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn tác động tích cực đến nhận thức của người dân, làm quen với hình thức tập thể, tổ hợp tác, gắn kết người dân cùng chung sản xuất, thay đổi tập quán và phương thức sản xuất; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn trong triển khai thực hiện như: Các dự án thực hiện theo phương thức cộng đồng, hầu hết đối tượng tham gia dự án là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật chưa có sinh kế nhưng theo quy định của Chính phủ phải có hộ làm kinh tế giỏi trong nhóm cộng đồng dân cư đề xuất thực hiện dự án. Thêm nữa, việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thực hiện trên địa bàn xã, thị trấn từ nhiều nguồn vốn của các Chương trình MTQG và do nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện và xã triển khai nên khan hiếm về con, cây giống và gây khó khăn, lúng túng cho lãnh đạo UBND cấp xã trong xác nhận trên giấy mua, bán con, cây giống do người dân sản xuất ra trên địa bàn khi các hộ tham gia dự án mua con, cây giống ở xã lân cận
Các dự án thực hiện theo phương thức cộng đồng khi ký kết hợp đồng với Trưởng nhóm cộng đồng thì chủ đầu tư không thể chuyển tiền qua tài khoản cá nhân của nhóm trưởng do cộng đồng dân cư bầu ra, có xác nhận của UBND cấp xã do số tiền rất lớn, nguy cơ không an toàn. Một số địa bàn, hộ nghèo còn nhiều, đủ điều kiện tham gia dự án nhưng không đăng ký tham gia dự án do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thu hồi 01 phần vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh hoặc sợ tham gia dự án sẽ thoát nghèo, không còn được hưởng chính sách giảm nghèo của Nhà nước sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tỷ lệ quay vòng một phần vốn theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 01/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh còn cao (giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh quy định không thu hồi), dẫn đến khó triển khai thực hiện, nhất là đối với địa bàn các xã, thôn không thuộc diện xã, thôn ĐBKK, khó khăn.
Đối với Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng, hoạt động cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng các đối tượng là hoạt động chính của tiểu dự, tuy nhiên việc tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng gặp rất nhiều khó khăn do ít nhà cung cấp, chưa xác định được nhu cầu do chưa tổ chức khảo sát đối tượng hưởng lợi; năng lực của tuyến huyện, đặc biệt tại các huyện nghèo, dân tộc thiểu số về cả chuyên môn, thực hiện quy trình mua sắm còn hạn chế, tâm lý sợ sai do không nắm vững nghiệp vụ cũng dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai hoạt động này... Việc mua sắm trang thiết bị (cân, thước đo, bộ dung cụ thực hành chế biến thức ăn) gặp nhiều khó khăn do thước đo và bộ dụng cụ thực hành dinh dưỡng không có quy chuẩn sản xuất nên không tìm được nhà cung cấp trên thị trường, đến nay theo hướng dẫn của trung ương, Sở Y tế mới tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cơ sở nắm chắc chủ trương, chính sách và vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia thực hiện dự án giảm nghèo, từng bước nâng cao ý thức, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tiếp tục phát huy cao vai trò, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, nhất là cơ quan chủ trì Dự án trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và thực hiện để đảm bảo các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện các quy định tại các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Tăng cường nâng cao chất lượng tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở về kỹ thuật, nội dung chuyên sâu về phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; tiếp tục phân cấp cho Ủy ban nhân dân các xã thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả và các mô hình theo chuỗi sản xuất tạo ra giá trị sản phẩm./.
 
Minh Anh
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật