Quảng Nam: Kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
(LĐXH) Trong những năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhờ việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Quảng Nam còn 38.112 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,28%, giảm 3,62% so với đầu năm 2016, bình quân giảm 1,81%/năm, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 03 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a giảm 9,76%, bình quân giảm 4,88%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 và 257 giảm 11,90%, bình quân giảm 5,95%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 5,39% vào đầu năm 2016 xuống còn 4,61% vào đầu năm 2018, tương ứng giảm được 0,78%, bình quân 0,39%/năm.
Trong 3 năm (2016-2018), mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân hằng năm đạt 1,81%, trong đó mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo đạt 4,98%/năm, của các xã nghèo (74 xã: 66 xã thuộc Chương trình 135 và 08 xã thuộc Chương trình 257) đạt 5,95%. Như vậy, kết quả giảm nghèo của tỉnh đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra của Chính phủ theo Nghị quyết 80/NQ-CP và Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (bình quân cả nước là 1-1,5%; các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm), đồng thời cũng đã hạn chế được tỷ lệ hộ tái nghèo, đảm bảo đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Sở dĩ, có được kết quả ấn tượng trên là do tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 và ban hành quy chế hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh (được thành lập năm 2012). Đối với cấp huyện, 18/18 huyện, thị xã và thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa IX, tỉnh Quảng Nam đã thông qua và ban hành Nghị quyết quy định về Mức chi hỗ trợ đối với người làm công tác giảm nghèo ở cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020
Đặc biệt, để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa IX, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND quy định “Mức chi hỗ trợ đối với người làm công tác giảm nghèo ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có quy mô hộ nghèo từ 50 hộ trở lên được cấp thẩm quyền phê duyệt năm 2017 được bố trí 01 Cộng tác viên giảm nghèo (là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thuộc một trong số các hội, đoàn thể: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên CSHCM do UBND cấp xã quyết định). Những người này được hưởng chế độ hỗ trợ theo 03 mức chia theo quy mô hộ nghèo và chia theo khu vực (đồng bằng; miền núi), mức hỗ trợ thấp nhất bằng 0,3 mức tiền lương cơ sở/người/tháng; cao nhất bằng 0,5 mức tiền lương cơ sở/người/tháng. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn có quy mô hộ nghèo từ 50 hộ trở lên nêu trên, để thống nhất trong việc tham mưu theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh quyết định giao nhiệm vụ trên cho người làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, thực hiện. Những người này được hưởng chế độ hỗ trợ theo 02 mức: (1) Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực đồng bằng: Bằng 0,3 mức tiền lương cơ sở/người/tháng; (2) Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực miền núi: Bằng 0,5 mức tiền lương cơ sở/người/tháng.
Đặc biệt, để góp phần cùng với trung ương đẩy mạnh thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là mục tiêu giảm nghèo đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số phía Tây của tỉnh (09 huyện miền núi), UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021; Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định cụ thể và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện cho các Sở, ngành và địa phương.
Về phân bổ nguồn vốn, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo; quy định và hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc chương trình MTQG, giao Sở LĐTBXH làm cơ quan Thường trực chương trình và duy trì hoạt động của Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh. Theo đó, kể từ năm 2017 đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam quy định ngân sách địa phương (huyện, xã) và huy động nhân dân đóng góp tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với mức tối thiểu bằng 15% tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện dự án. Năm 2017 và 2018, các địa phương đã huy động và bố trí ngân sách tham gia thực hiện các dự án của chương trình trên 20 tỷ đồng, nâng tổng nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) và huy động nhân dân đóng góp lên gần 60 tỷ đồng.
Song song với đó, tỉnh Quảng Nam cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình ở các địa phương, cơ sở, đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ và hiệu quả đề ra. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG, các sở, ngành, đơn vị được phân công theo dõi đứng điểm từng địa bàn định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình tại các địa bàn thuộc diện đầu tư của chương trình giảm nghèo.
Từ năm 2016-2018, với nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ hơn 839 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 05 dự án thành phần của chương trình MTQG giảm nghèo. Trong đó, riêng Dự án 1 (Chương trình 30a), đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo với số tiền hơn 327 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 08 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, số tiền hơn 34 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, số tiền hơn 99 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND theo phương án, kế hoạch thực hiện thoát nghèo của hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo,cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, năm 2017, đã đào tạo, tập huấn, tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động cho khoảng 500 lượt cán bộ cơ sở và hơn 1.500 lao động trong độ tuổi ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển, góp phần đưa được 1.335 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Sở LĐTBXH và các địa phương đã tổ chức nhân bản 1.200 cuốn cẩm nang về chương trình giảm nghèo bền vững; phát hành 75.298 tờ rơi tuyên truyền chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh; tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; xây dựng 04 phóng sự truyền hình về công tác giảm nghèo...
Cùng với đó, Quảng Nam đã tổ chức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp như: Tổ chức 08 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng và cập nhập thông tin dữ liệu vào phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trực tuyến năm 2017 cho 131 cán bộ cấp xã và huyện của 08 huyện, thành phố; tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 418 cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo tại các thôn, cấp xã và cấp huyện của 03 huyện nghèo: Nam Trà My, Tây Giang và Nam Giang. Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức hơn 20 lớp tập huấn cho hơn 1.500 người là thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện, Ban quản lý thực hiện các chương trình MTQG cấp xã và cán bộ thôn, khối phố về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, đặc biệt là nội dung chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Quảng Nam còn một số tồn tại, chế như: Thực trạng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội, già cả, khuyết tật, ốm đau nặng, có hoàn cảnh khó khăn nhiều, đa phần tập trung ở miền núi. Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu là nguồn vốn đầu tư phát triển, còn nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn ít. Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương quy định phải xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nên phải có thời gian xây dựng, ban hành, một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn thiếu cụ thể, khó triển khai...
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (không tính hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), bình quân mỗi năm giảm từ 1,0- 1,5% (tương ứng giảm số hộ nghèo mỗi năm từ 4.000-6.000 hộ nghèo). Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là ở cấp xã; Tiếp tục phân cấp gắn với trách nhiệm trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, nhất là khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với công trình khởi công mới. Thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ thôn tại địa bàn huyện nghèo, xã nghèo. Tăng cường huy động nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác vận động hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo; tham gia có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống./.
Hồng Phượng
TAG: