Quảng Nam: Chú trọng nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình giảm nghèo
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp thực hiện phù hợp.
Thực hiện Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Quảng Nam được phân bổ kinh phí 24.274 triệu đồng (ngân sách trung ương 21.714 triệu đồng; ngân sách tỉnh 2.560 triệu đồng) cho các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và các sở chủ trì các Dự án, Tiểu dự án đã tổ chức trên 50 lớp tập huấn về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo cho hơn 8.000 lượt cán bộ theo dõi, tham mưu thực hiện công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện, xã và thôn, khối phố; bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm hoặc luân phiên theo địa bàn cho cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ, nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đồng thời tổ chức tập huấn điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp cấp huyện, cán bộ cấp xã nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tổ chức 02 đoàn học tập kinh nghiệm tại các tỉnh nhằm giúp cán bộ phụ trách các Chương trình MTQG các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có dịp giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2022-2025 tại các địa phương có tỷ lệ phân bổ, giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG cao. Đến ngày 30/6/2024, tỉnh đã giải ngân được 5.761 triệu đồng, đạt tỷ lệ 23,7%. Ước giải ngân đến 31/12/2024 được 18.090 triệu đồng, đạt tỷ lệ 75%. Số kinh phí còn lại đề xuất điều chuyển sang các Dự án khác có khả năng giải ngân theo Nghị quyết số 111/2024/QH15.
Đối với Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 14.402 triệu đồng (ngân sách trung ương 12.865 triệu đồng; ngân sách tỉnh 1.537 triệu đồng) cho các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức triển khai khai thực hiện theo nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh.
Từ nguồn vốn được phân bổ, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và UBND các địa phương đã tập trung triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giảm nghèo của tỉnh, của cấp huyện và thành viên Ban Quản lý thực hiện Chương trình MTQG cấp xã, nhất là trong theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát theo địa bàn được phân công để kịp thời giúp đỡ địa phương, cơ sở, giúp đỡ hộ nghèo, hộ đăng ký thoát nghèo, hộ mới thoát nghèo, đảm bảo thực hiện đúng quy định và hiệu quả.
Kết quả, ở cấp tỉnh đã tổ chức 30 buổi làm việc, 08 đợt giám sát của UBND tỉnh với các địa phương để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn và 25 đợt kiểm tra, giám sát của các Sở, ngành chủ trì Dự án, Tiểu dự án, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh tại các địa phương để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn; ở cấp huyện, các địa phương cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc kết quả triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn. Đến ngày 30/6/2024, tỉnh đã giải ngân 2.165 triệu đồng, đạt tỷ lệ 15%. Ước giải ngân đến 31/12/2024 được 8.873 triệu đồng, đạt tỷ lệ 62%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó tỉnh Quảng Nam cũng gặp một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Dự án Nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình như: Nguồn kinh phí phân bổ tương đối lớn, một số nội dung trung ương quy định, hướng dẫn chưa rõ, phải chờ sửa đổi, bổ sung mới triển khai thực hiện biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn hướng dẫn; mặt khác, kinh phí hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình có bố trí đồng thời ở 03 Chương trình MTQG và bố trí cho nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện hoạt động tập huấn, giám sát do đó trùng lặp đối tượng tập huấn giữa các Chương trình; mặt khác, nội dung chi hoạt động giám sát, đánh giá ít, mức chi chủ yếu cho công tác phí, phương tiện đi lại; nhân lực (cán bộ, công chức) của các cơ quan, đơn vị của tỉnh (như Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo có 04 công chức) hạn chế, nên kết quả thực hiện, giải ngân thấp và không thể giải ngân hết vốn.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo bền vững; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo, thành viên Ban Quản lý thực hiện các Chương trình MTQG cấp xã, nhất là trong theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo địa bàn được phân công để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định./.
Minh Anh
TAG: