Quảng Bình tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững
(LĐXH)-Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt chỉ đạo và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể tham gia thực hiện công tác giảm nghèo; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Quảng Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết quy định cơ chế lồng ghép vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết quy định đối tượng và mức thăm, tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm; Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; đồng thời ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác.
Các ngành, địa phương đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại các điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn và xã không thuộc xã nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ tiếp cận của từng vùng, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của bản thân người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững. Biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp, tờ rơi pháp luật về trợ giúp pháp lý... góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý, hệ thống tổ chức thực hiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để họ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương cũng nghiêm túc thực hiện khảo sát đúng, phù hợp thực trạng đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương, cơ sở; rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo cụ thể theo nhóm nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo. Năm 2022, Quảng Bình đã tổ chức 16 lớp tập huấn về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình cho 1.021 người là thành viên Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp huyện, cấp xã và các rà soát viên trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong năm 2022, tỉnh đã cấp cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ tiền điện cho 16.684 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, tặng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 17,796 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh 16,649 tỷ đồng; ngân sách huyện 266,9 tỷ đồng; từ nguồn xã hội hóa 880,2 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Bình cũng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững. Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 57.229 triệu; nguồn ngân sách địa phương đối ứng 8.238 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho 8 huyện, thị xã, thành phố có hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nguồn vốn đúng kế hoạch, tiến độ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tại xã Minh Hóa, một huyện miền núi biên giới Minh Hóa có 776/927 số hộ dân trong toàn xã là khách hàng của Ngân hàng chính sách xã hội đã sử dụng hơn 17 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi.
Theo Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hóa, từ nguồn vốn ưu đãi đã lồng ghép chặt chẽ với các nguồn lực tài chính khác và chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho toàn huyện giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ là 190.288 triệu đồng, trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã giải ngân 26 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 13.047 tỷ đồng. Trong 20 năm qua (2002-2022), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 26 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay 13.047.159 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 8.989.766 triệu đồng; trong đó: Chương trình cho vay hộ nghèo có doanh số cho vay trong 20 năm đạt 3.141.134 triệu đồng, với trên 233.600 lượt hộ nghèo vay vốn, doanh số thu nợ 2.882.767 triệu đồng, dư nợ đến 31/8/2022 đạt 413.072 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 9,76%. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, tỷ lệ nợ quá hạn đến 31/8/2022 là 0,15%. Chương trình cho vay hộ cận nghèo có doanh số cho vay từ năm 2013 đến nay đạt 2.139.501 triệu đồng, với hơn 49.957 lượt vay vốn, doanh số thu nợ 1.546.280 triệu đồng, dư nợ đến 31/8/2022 đạt 592.582 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 14% tổng dư nợ, với 9.828 hộ đang vay, tỷ lệ nợ quá hạn 0,07%...
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp trên 603.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo và duy trì việc làm cho gần 62 nghìn lao động; hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 6,4 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cải tạo hơn 227 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chửa gần 9,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ hơn 198.700 lượt hộ thoát nghèo
Tại Quảng Bình, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống như mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy); mô hình trồng bưởi Phúc Trạch xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa). Trong năm 2022 vừa qua, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Đơn cử như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) đã hỗ trợ sinh kế 43 nạn nhân bom mìn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh. Trong đó 40 nạn nhân được nhận bò sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con và 3 nạn nhân được hỗ trợ nhà ở trị giá 50 triệu đồng. Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai trao nguồn vốn hỗ trợ sinh kế 20 hội viên phụ nữ khó khăn tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) mức 25 triệu đồng/hộ với tổng trị giá 500 triệu đồng. Thời gian nhận nguồn vốn hỗ trợ là 60 tháng (từ tháng 5/2022 đến 4/2027) với lãi suất 0,1%/tháng.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và hộ cận nghèo là 13.731, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,52% xuống còn 5,0% (tương ứng giảm 3.802 hộ xuống còn 12.820 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,62% xuống còn 4,76% (tương ứng giảm 1.483 hộ xuống còn 12.248 hộ).
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phấn đấu Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị các cấp về công tác giảm nghèo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân người nghèo, hộ nghèo, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đánh giá đúng thực trạng đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững, chú trọng những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc, miền núi, vùng xâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Mỹ Hạnh
TAG: