An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Bình: Nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững
10:34 AM 10/12/2018
(LĐXH) Thời gian qua, thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động 05
Công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, là một trong những chương trình ưu tiên quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác giảm nghèo ở tỉnh Quảng Bình lại được đặc biệt quan tâm như thời gian gần đây. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016- 2020; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1500/KH-UBND, Kế hoạch 513/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát huy thế mạnh nguồn lực lao động để phát triển kinh tế- xã hội, góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là 403.716 triệu đồng, tỉnh Quảng Bình đã bố trí 23.650 triệu đồng để tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân; điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; thu thập thông tin thị trường lao động; bổ sung nguốn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm hàng năm… Ngoài ra,  Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động được 6.028 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo làm nhà, phát triển sản xuất, khám chữa bệnh… Mặc dù nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hàng năm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu so với mục tiêu đặt ra nhưng tỉnh đã bám sát các mục tiêu cơ bản, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí để bố trí nguồn vốn phù hợp thực hiện Chương trình, trong đó ưu tiên cơ bản nguồn lực cho các địa bàn khó khăn như: huyện Minh Hóa và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển chiếm 45,4%; các xã thuộc Chương trình 135 chiếm trên 52% tổng kinh phí thực hiện Chương trình.

Công tác giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện
Trong bối cảnh tình hình của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển và hậu quả của các trận bão, lũ đã tác động rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 05 đề ra, song với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm ở Quảng Bình trong hơn 2 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống của người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt, việc làm cho người lao động cơ bản ổn định, bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh Quảng Bình còn 21.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,8%, giảm 13.061 hộ, tương đương giảm 5,62% so với đầu năm 2016 (34.083 hộ nghèo); còn 26.962 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,06%, giảm 2.897 hộ, tương đương giảm 1,63% so với đầu năm 2016 (29.859 hộ cận nghèo). Trong công tác dạy nghề và tạo việc làm, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 34.533 lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo Quyết định 1956 là 6.282 người (người nghèo, cận nghèo 1.761 người). Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới, có thêm việc làm tăng thu nhập, thoát nghèo và trở thành hộ khá; Giải quyết việc làm cho trên 87.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.996 người, đạt 109,36% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Quảng Bình đã thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo từ các chính sách giảm nghèo chung đến các dự án đặc thù của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo như: Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, cấp thẻ BHYT, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ trong giáo dục- đào tạo, hỗ trợ tiền điện, làm nhà ở... Chương trình 30a,135 đã đầu tư, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ  phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, miền núi...

Nhiều mô hình, dự án giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Quảng Bình rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, đó là: Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ một cách cụ thể; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công tác giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, khơi dậy tiềm năng, sự sáng tạo, cần cù, chịu khó lao động sản xuất và ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của bản thân người nghèo, hộ nghèo. Chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm và cả giai đoạn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, cho cán bộ, đảng viên trong theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ xã nghèo, thôn nghèo, hộ nghèo; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Đối với hệ thống chính trị các cấp phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương, từng nhóm hộ, làm cho người nghèo nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Phải điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm một cách cụ thể, chính xác, sát thực tế của từng địa phương; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, việc làm để làm căn cứ xây dựng kế hoạch chi tiết về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho phù hợp với từng xã, thôn, bản.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, việc làm, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Bình cũng đề nghị Chỉnh phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên cho hộ nghèo không còn khả năng thoát nghèo, đưa hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội ra khỏi chính sách hộ nghèo. Có chính sách đầu tư đồng bộ để thực hiện phân luồng đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; chính sách miễn giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trung cấp, cao đẳng nghề nhằm cơ cấu lại nguồn lực lao động, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề cao. Giảm dần, tiến tới xóa bỏ các chính sách hỗ trợ cho không và tăng các chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo.
Cùng với đó, là xem xét thẩm định và phê duyệt điều chỉnh bổ sung 02 xã Cao Quảng, Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa) từ xã khu vực II sang xã khu vực III và công nhận 2 xã trên là xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách từ Chương trình 135. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo hướng rút gọn các thủ tục, quy trình liên quan đến HĐND các cấp; quy định hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo từng mức cụ thể và theo thị trường lao động. Sớm bố trí nguồn vốn theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 cho tỉnh Quảng Bình theo Kế hoạch số 1569/KH-UBND ngày 28/8/2017 về dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ đi làm việc nước ngoài đối với người lao động thuộc các gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển./.

Hồng Phượng
 
 
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”