Quảng Bình chăm lo sức khỏe cho người khuyết tật trong đại dịch Covid-19
(LĐXH)-Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Quảng Bình có trên 45.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có khoảng 21.000 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, góp phần làm giảm bớt những khó khăn trong đời sống hàng ngày của NKT. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chăm sóc sức khỏe cho NKT đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm và ưu tiên thực hiện.
Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, "Mặc dù nguồn quỹ của hội rất khó khăn nhưng chúng tôi đã vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm mua trên 5.000 khẩu trang để phát miễn phí cho NKT, đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho NKT cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Được biết, Quảng Bình là 1 trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người khuyết tật trong cộng đồng. Sáng ngày 26-10-2021, tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Công an tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 200 người khuyết tật trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Tại điểm tiêm tất cả người khuyết tật nghiêm túc thực 5K, được đội ngũ y bác sỹ khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm, sau tiêm được tư vấn và theo dõi chặt chẽ 30 phút mới được rời khỏi điểm tiêm. Buổi tiêm cho người khuyết tật đầu tiên của tỉnh đã diễn ra an toàn, không có trường hợp tai biến sau tiêm chủng.
100% người khuyết tật có trong danh sách đã đến tiêm vắc xin nhờ sự hỗ trợ của người thân và các đoàn viên thanh niên tình nguyện. Họ rất phấn khởi và xúc động gửi lời cảm ơn tới tỉnh, ngành y tế, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã quan tâm ưu tiên cho người yếu thế được tiêm vắc xin bảo vệ trước dịch bệnh Covid-19.
Tại Quảng Bình, mặc dù nguồn vắc xin phòng Covid-19 khan hiếm, nhưng tỉnh luôn quan tâm ưu tiên cho đối tượng yếu thế.
Đây là đợt đầu tiên các đơn vị phối hợp triển khai tiêm thí điểm cho 200 người khuyết tật tại địa bàn thành phố Đồng Hới để rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai về các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền và người khuyết tật, đến trung tuần tháng 11-2021, tỉnh đã hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho nhóm đối tượng này.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong theo dõi tiêm vắc xin cho người khuyết tật TP. Đồng Hới
NKT là lực lượng yếu thế, là những đối tượng dễ bị tổn thương và không có hoặc ít khả năng phòng tránh các tác động tiêu cực từ xã hội, môi trường nên việc quan tâm, chăm sóc NKT là rất thiết thực và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ mình, hầu hết người dân nói chung và NKT nói riêng đều phải trang bị cho mình những vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn…
NKT do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên cần được giúp đỡ. Đặc biệt, công tác xã hội, giúp đỡ NKT trong cơn đại dịch cần được đề cao hơn, việc chăm sóc sức khỏe y tế cho NKT trong phòng, chống Covid-19 cần sự phối hợp của các tổ chức xã hội, gia đình và cơ sở y tế tại địa phương.
Tùy theo nhóm người và hoàn cảnh, NKT có nguy cơ phải đối mặt với các tình trạng biến chứng bệnh và có tỷ lệ tử vọng cao hơn nếu không may bị nhiễm Covid-19. NKT cần được cảnh báo về mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền từ trước như: huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...
Thời gian qua, UBND tỉnh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, đặc biệt là ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người yếu thế trước đại dịch Covid-19. Đặc biệt, các trung tâm bảo trợ xã hội cần phải đặc biệt quan tâm, chú ý đến đối tượng NKT hơn nữa trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc thời gian này.
Theo bà Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội): Từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã thắt chặt an ninh và giám sát chặt chẽ lượng người vào ra tại trung tâm, tất cả các hoạt động gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Hiện nay, ở trung tâm, đối tượng chủ yếu là trẻ mồ côi, người già và người tàn tật…, những đối tượng “nhạy cảm” với các dịch bệnh. Chính vì vậy, đơn vị cũng đã có những phương án phù hợp để bảo đảm công tác chăm sóc, khám chữa bệnh và bảo vệ cho những đối tượng yếu thế này trong mùa dịch.
Để bảo đảm cho NKT được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng như những người khác, theo Điều 21 Luật NKT quy định, việc chăm sóc sức khỏe cho NKT trong trường hợp bệnh tật diễn biến xấu, NKT được giới thiệu lên y tế tuyến trên để được tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị.
Các trạm y tế cấp xã có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng phù hợp với phạm vi chuyên môn cho NKT.
Như vậy, NKT có quyền được tuyên truyền, tham gia tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tại cộng đồng, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, được tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình…
Với sự chung tay, giúp sức của cộng đồng và sự tự giác, chủ động của bản thân, NKT đang được hỗ trợ, bảo vệ trong mùa Covid-19, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh./.
Mỹ Hạnh
TAG: