An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quản Bạ: Tập trung thực hiện mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn
09:22 AM 20/06/2023
(LĐXH) – Huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phấn đấu đến năm 2025 không còn là huyện nghèo.
Hiện nay, huyện Quản Bạ có 52,73% dân số là hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm 12,84%; toàn huyện có trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo cần xây mới, sửa chữa nhà ở. Xác định công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; huyện lồng ghép các cơ chế, chính sách như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh, của huyện với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững; ban hành kế hoạch xây dựng huyện Quản Bạ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025 để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình trồng cà chua, hồng không hạt
của người dân thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận
Giai đoạn 2021 – 2023, huyện Quản Bạ được phân bổ hơn 481 tỷ đồng theo Kế hoạch vốn 3 Chương trình MTQG. Cụ thể, nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2022 và 2023 được phân bổ hơn 21 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ trên 260 tỷ đồng; Vốn Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 199 tỷ đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án từ chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chất lượng đối với từng địa bàn. Năm 2022, huyện Quản Bạ được ngân sách cấp trên 85,1 tỷ đồng nguồn vốn chương trình giảm nghèo, đã giải ngân được hơn 34 tỷ đồng; đã giải quyết việc làm cho đối tượng lao động ngoài tỉnh là 3.902 người; Xuất khẩu lao động 45 người đi thị trường liên bang Nga, Singapore, Đài Loan, Hàn quốc và Nhật Bản; Giải quyết lao động tại địa phương là 781 người.
Năm 2023 huyện được ngân sách giao trên 173,2 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 2,2 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã sử dụng để đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 4 công trình giao thông; 1 công trình giáo dục; 1 công trình nước sinh hoạt; 1 công trình thủy lợi. Đã triển khai được 14 mô hình giảm nghèo tại cộng đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn với 7 lớp dạy nghề. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động cho nhân dân. Giảm nghèo về thông tin, huyện đã lắp đặt 9 cụm loa truyền thông internet tại 9 thôn trên địa bàn xã biên giới Bát Đại Sơn với tổng kinh phí 287 triệu đồng.
Huyện cũng tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Điển hình như tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây ăn quả ôn đới, dược liệu, rượu ngô, bò, mật ong, dê, ngựa...; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng như: Thảo quả, Atisô, Hoa kim ngân, Tam thất, Hương thảo, chè Shan tuyết (Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tả Ván); hạt Tam giác mạch... ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, lấy khâu đột phá về phát triển nông nghiệp sạch, đặc trưng trở thành hàng hóa; lựa chọn 3 cây “Cây ăn quả ôn đới, dược liệu và rau hoa trái vụ” và 2 con “bò vàng và ong” để tập trung chỉ đạo phát triển. Duy trì và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, thế mạnh khác như: Dê, ngựa, gà xương đen, lợn đen. Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo...
Mô hình trồng rau sạch của Công ty TNHH Hải Phong, xã Quyết Tiến tạo công việc cho lao động địa phương
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quảng bá các làng nghề truyền thống gắn với du lịch; hỗ trợ phát triển một số nghề truyền thống đang bị mai một; đầu tư, hỗ trợ phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng; đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế du lịch của hang động gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liền vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn như 4 xã biên giới (Nghĩa Thuận, Cao Mã pờ, Tùng Vài, Tả Ván) với xã Quyết Tiến; 5 xã Thái An, Đông Hà, Lùng Tám, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn; 3 xã Quản Bạ, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đảm bảo 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững.
Thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước; phấn đấu thực hiện giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 10,68%/năm; gồm giảm 7,98% hộ nghèo và 2,7% hộ cận nghèo; đến năm 2025, huyện thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên