Đóng góp tích cực trong quá trình thúc đẩy phát triển CTXH trên địa bàn Phú Yên, Trung tâm CTXH (vừa có quyết định sáp nhập vào Trung tâm nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội) đã có rất nhiều hoạt động tích cực. Cụ thể là, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho 3034 học sinh tại 15 trường học trên địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tây Hòa; về kỹ năng bảo vệ trẻ em cho 60 hộ gia đình trên địa bàn xã Hòa Tân Tây, Tây Hòa và cho 943 người chăm sóc trẻ tại 14 điểm trên địa bàn huyện Sông Hinh và Tuy An.
Các hoạt động kết nối cũng được tăng cường mạnh mẽ dù là thời điểm địa phương vẫn chưa giải quyết hết các ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Trung tâm đã Tổ chức chương trình “Xuân Yêu thương”, chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai” số 01/2022 tại huyện Sông Hinh, “Đom đóm thắp sáng tương lai” số 02/2022 tại huyện Đồng Xuân, chương trình “Điều ước cho em” tại thị xã Đông Hòa, chương trình “Cùng em đến trường”, chương trình “Vui hội Trung thu” năm 2022; kết nối các tổ chức cá nhân trao thăm và tặng quà cho đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh… Tổng kinh phí kết nối trong năm được hơn 1,1 tỷ đồng và nhiều phần quà, xe đạp khác.
Công tác tư vấn chế độ chính sách, kết nối trợ giúp pháp lý và hỗ trợ tâm lý cho 35 trường hợp, liên quan đến tư vấn chế độ chính sách, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em chưa được làm giấy khai sinh, phụ nữ bị bạo hành gia đình, trẻ vị thành niên bị tổn thương tâm lý khi biết mình là người đồng tính, hỗ trợ tâm lý cuối đời cho người bị bệnh nan y
Đặc biệt, Trung tâm CTXH đã tổ chức triển khai các dự án cộng đồng do Tổ chức phi Chính phủ như WWO, Holt tài trợ. Trong đó, Dự án Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em dễ bị tổn thương sống trong cộng đồng do WWO tài trợ đã triển khai được các hoạt động thực sự có ý nghĩa đối với trẻ và gia đình. Trẻ được chọn tham gia dự án đa phần là các trẻ sống trong các gia đình khuyết (trẻ mồ côi, cha/mẹ đơn thân nuôi con...), gia đình khó khăn (hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo). Nguồn dinh dưỡng bị hạn chế, thậm chí có trẻ đói ăn, suy dinh dưỡng. Trẻ chưa nhận được sự chăm sóc đầy đủ từ gia đình, người chăm sóc, thậm chí có trẻ trở thành người chăm sóc cho người thân của mình. Một số trẻ gặp trở ngại về các vấn đề pháp lý: mất giấy khai sinh, có nhu cầu đổi tên trong giấy khai sinh nhưng chưa thực hiện được, người thân chưa được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp.
Khi tham gia dự án, trẻ nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Sự hỗ trợ các gói dinh dưỡng, học bổng, y tế, hỗ trợ khẩn cấp. Các phần kinh phí hỗ trợ từ WWO đã kịp thời giúp trẻ được cải thiện chất lượng bữa ăn, được đảm bảo chăm sóc y tế, được mua sắm sách vở, đồ dùng học tập... Thông qua hoạt động vãng gia, cộng tác viên CTXH đã trực tiếp gặp gỡ trẻ và gia đình, qua đó nắm bắt thực trạng tâm lý xã hội của trẻ, những khó khăn, những chuyển biến của trẻ và gia đình trong thời gian tham gia dự án, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho trẻ và gia đình. Từ Báo cáo vãng gia, Ban Điều hành dự án tỉnh, Cộng tác viên quản lý dự án, Cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn cộng tác viên CTXH thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ trẻ và gia đình giải quyết các vấn đề đang gặp phải, hướng đến một cuộc sống tốt hơn để trẻ được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn. Trong năm 2022, các Quản lý ca trình bày các ca của trẻ tham gia dự án đợt 5 và đợt 6 tại 04 buổi sinh hoạt trình ca. Các cộng tác viên đã trình bày hoàn cảnh của trẻ, sơ đồ phả hệ, sơ đồ sinh thái, xác định vấn đề của trẻ và gia đình, điểm mạnh và điểm yếu của trẻ và gia đình, đề xuất phương hướng hỗ trợ/giải quyết... Các thành viên tham dự đã nhận xét, góp ý, phân tích, đề xuất giải pháp giúp Quản lý ca xác định đúng, rõ vấn đề, nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ cũng như xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ phù hợp, bền vững hơn. Các phương pháp và kỹ năng thực hiện của từng cộng tác viên cũng được tham dự viên góp ý, xây dựng, qua đó cộng tác viên học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm hoàn thiện kỹ năng quản lý ca của mình.
Nhằm phát huy các kết quả thời gian qua, Ban điều hành dự án tỉnh Phú Yên đề xuất WWO tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, kỹ năng, các buổi hội thảo chuyên đề... cho Ban quản lý dự án tỉnh, huyện và cộng tác viên công tác xã hội nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội. Đồng thời, đề nghị tổ chức WWO hỗ trợ tham vấn tâm lý cho một số trường hợp trẻ và gia đình có nhu cầu hỗ trợ tâm lý được hỗ trợ tâm lý tốt hơn./.
Đăng Doanh