An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phú Thọ thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội
05:02 PM 07/03/2022
(LĐXH)- Năm 2021, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội... đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm thực hiện hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025), tỉnh Phú Thọ còn 24.604 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,88% và 19.531 hộ cận nghèo, chiếm 4,67%.
Qua rà soát theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh Phú Thọ là 68.690 người, tổng kinh phí chi trả gần 420 tỷ đồng (đối tượng tăng 3.095 người, kinh phí tăng khi thực hiện Nghị định 20/NĐ-CP hơn 119 tỷ đồng).
Trên địa bàn tỉnh có hơn 5.600 người mắc bệnh tâm thần và 214 người có nhu cầu được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội; gần 230.000 người mang các loại khuyết tật về tai nghe, chân, mắt, trí nhớ, trong đó có nhiều người mang cả hai, ba loại khuyết tật. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 80.000 trẻ em dưới 16 tuổi đang sống trong các gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo; trên 4.600 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có trên 2.100 trẻ khuyết tật nặng và gần 2.400 trẻ em mồ côi…

Huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) trao tặng hỗ trợ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, cho biết: Năm 2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng mới khó kiểm soát và nguy hiểm hơn, gây nhiều tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội. Mặc dù gặp những khó khăn nhất định, song công tác đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm định hướng an sinh xã hội bền vững. Các chính sách và giải pháp an sinh xã hội đã giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm... Ngoài ra, nhờ sự quan tâm, trợ giúp từ cộng đồng xã hội, chất lượng cuộc sống của các đối tượng yếu thế cũng từng bước được cải thiện, có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng cường học hỏi, hiểu biết để bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội.
Kết quả cụ thể trong năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp huyện thực hiện cấp thẻ BHYT cho 30.967 người thuộc hộ gia đình nghèo, 24.477 người thuộc hộ gia đình cận nghèo, 78.912 người thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn thực hiện trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước cho 23.498 người có công với cách mạng; thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho 67.150 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 419 tỷ đồng.
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 24.838 suất quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn với tổng kinh phí gần 11,586 tỷ đồng. Trong đó, người nghèo 14.968 suất, kinh phí 7.879.250.000 đồng; đối tượng bảo trợ xã hội 857 suất, với số tiền 513.865.000 đồng; người cao tuổi 7.001 suất, với kinh phí hơn 3,191 tỷ đồng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa 2.102 suất, tổng số tiền gần 1,097 tỷ đồng.
Điển hình trong các hoạt động vì người nghèo, an sinh xã hội, cứu trợ ở Phú Thọ phải kể đến MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, tạo được sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động ủng hộ được 17,184 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa và xây mới 652 nhà Đại đoàn kết trị giá gần 12 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, học sinh nghèo và các chương trình an sinh xã hội số tiền trên 5 tỷ đồng.
Ở các địa phương như huyện Yên Lập, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ủy ban MTTQ huyện đã vận động và trao 3.891 suất quà với tổng trị giá trên 1,9 tỉ đồng cho các gia đình hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện trao 200 suất trị giá 100 triệu đồng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã: Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Thượng Long, Minh Hòa, Đồng Thịnh; 61 suất quà, trị giá trên 24 triệu đồng cho già làng, trưởng bản trên địa bàn huyện. Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn phối hợp vận động 1.511 suất quà, trị giá gần 650 triệu đồng…
Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Phú Thọ trong năm 2021 đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân. Đây sẽ là động lực vững chắc để người dân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công