Phú Thọ thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em
(LĐXH)- Để thực hiện công tác trẻ em năm 2020, bên cạnh việc quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, tỉnh Phú Thọ đã thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em tỉnh số 1800555503 để truyền thông, kịp thời thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trẻ em, thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 398.672 trẻ em (chiếm 27,23% dân số), 4.770 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,19%); trong đó có 3.482 trẻ em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 73%) với mức trợ cấp từ 405 - 675 nghìn đồng/trẻ/tháng, khoảng 170.00 trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT (đạt 100%) và 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức.
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng được tiếp cận các dịch vụ xã hội, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng, đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh để các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo và giao cho Sở Lao động – TBXH phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù phong tục, tập quán từng vùng, miền, địa phương trong tỉnh. Tích cực giới thiệu về Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thông qua tổng đài Quốc gia về trẻ em để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Sở Lao động – TBXH yêu cầu các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì trẻ em hàng năm; cam kết thực hiện mùa hè an toàn trong việc quản lý, giám sát trẻ em để giảm thiểu tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Đồng thời, lấy kết quả đánh giá về tỷ suất trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc; tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần trong năm; điểm vui chơi, giải trí và tổ chức hoạt động văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em… là tiêu chuẩn để đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Đến nay, các quyền cơ bản của trẻ em đã được Phú Thọ thực hiện rất nghiêm túc, như: quyền khai sinh, được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, quyền được tham gia học tập, quyền được phát triển; các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tàn tật được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực... Trong đó, đối với chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Các nội dung của chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đã mang lại những hiệu quả tích cực. Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, tính đến hết năm 2019, Phú Thọ đã có 234/277 xã, phường được công nhận phù hợp với trẻ em và có 41.750 “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em.
Trong Tháng hành động Vì trẻ em 2020, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, các quy định của Luật Trẻ em, Phú Thọ còn tập trung tăng cường truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội và tại cộng đồng dân cư. Quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, đồng thời thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em tỉnh số 1800555503 để truyền thông, kịp thời thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trẻ em, thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Việc duy trì đường dây nóng cũng là kênh nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý thông tin giữa địa phương và cơ quan bảo vệ trẻ em các cấp; hỗ trợ việc xác minh, kết nối hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, vi phạm quyền trẻ em.
Chí Tâm
TAG: