Phú Thọ quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên trong các lĩnh vực
(LĐXH)- Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Phú Thọ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở Lao động – TBXH Phú Thọ đã tham mưu cho tỉnh ban hành và triển khai hiệu quả các kế hoạch, đề án, nghị quyết, chương trình hành động về công tác cán bộ nữ và hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo từng năm; xây dựng các mẫu biểu báo cáo các chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện; tham mưu, tổ chức triển khai khảo sát, điều tra, đánh giá nhận thức xã hội về BĐG, vấn đề giới đối với lao động và việc làm; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền và dự toán kinh phí để chủ động tổ chức triển khai theo ngành, lĩnh vực và đối tượng cụ thể. Nhiều chủ trương, chính sách ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy khả năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc...
Trong lĩnh vực chính trị, Phú Thọ đã làm tốt công tác nhân sự, đảm bảo số lượng cán bộ nữ có triển vọng đưa vào quy hoạch, chủ động rà soát và tạo điều kiện đưa cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đặc biệt, công tác phát triển đảng viên nữ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ nữ; quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên nữ của tỉnh đạt 35%. Toàn tỉnh có 8/55 cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh (đạt tỷ lệ 14,5%), 109/639 cán bộ nữ tham gia BCH đảng bộ cấp huyện và tương đương (đạt tỷ lệ 17,05%); 21/218 cán bộ nữ tham gia BTV cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, 63/411 được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành; 24/79 cán bộ nữ là đại biểu HĐND tỉnh (đạt tỷ lệ 30,3%), 129/498 cán bộ nữ là đại biểu HĐND cấp huyện (đạt tỷ lệ 25,9%); 8/81 đồng chí tham gia giữ chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện.
Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được chú trọng. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi nhằm kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em để từng bước giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ… Cùng với đó, việc thành lập, duy trì và nhân rộng mạng lưới các câu lạc bộ, mô hình: “Ngôi nhà Bình yên”, “Phòng Tham vấn”, “Địa chỉ tin cậy”, “Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Cành cọ xanh”… đã góp phần hỗ trợ, tư vấn giúp các nạn nhân bị bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh thế - xã hội địa phương.
P.V
TAG: