Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Phú Thọ kiên quyết đấu tranh giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em
09:37 AM 10/07/2021
(LĐXH)- Thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em ở Phú Thọ vẫn có những diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em và xã hội...
Theo thống kê, tỉnh Phú Thọ hiện có 400.900 trẻ em (chiếm 27,05% dân số), 4.847 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,2%), trong đó có 3.914 trẻ em đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 80,75%); 63 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 1.892 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trẻ em có cha, mẹ, người thân chết, nhiễm HIV; trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy). Trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 163.094 trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức đạt 100%...
Mặc dù, nhiều năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng xã hội ở Phú Thọ chung tay vào cuộc và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn vẫn có những diễn biến phức tạp, tội phạm xâm phạm trẻ em có chiều hướng gia tăng. Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra là vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ trẻ em, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em và xã hội.

Thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục ở huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ)

Theo thống kê, tính từ đầu tháng 7/2019 đến ngày 30/6/2021, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý 31/31 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa xảy ra 19 vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại (trong đó có 17 trường hợp bị xâm hại tình dục), đã tiến hành xử lý hình sự 16 đối tượng… Đặc biệt, có một số vụ mang tính chất loạn luân, thể hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và tuyên truyền trực tiếp trong nhà trường, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tạo dư luận mạnh mẽ và hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm xâm hại, lạm dụng, buôn bán, bóc lột sức lao động của trẻ em...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định 1472/QĐ-TTg về việc triển khai Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 627/KH-UBND ngày 24/2/2021 về hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên tuyền lồng ghép với nhiều nội dung về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…
Tính từ tháng 7/2020 đến nay, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông trực tiếp, cụ thể: mở 04 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em gần 800 cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên và cộng đồng dân cư; 05 lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho gần 1.000 trẻ em; 10 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em cho gần 2.000 đại biểu là cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em; 04 hội nghị nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho gần 600 cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trẻ em; 12 hội nghị nâng cao năng lực, kỹ năng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời... cho hơn 2.000 đối tượng tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn chủ động phối hợp tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động, chương trình, đề án, kế hoạch và thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ em đảm bảo các quyền của trẻ em, đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em. Kịp thời nắm bắt và xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, nhất là các vụ án phạm tội có tính chất nghiêm trọng, người bị hại là trẻ em, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm…
Thời gian tới, để kiềm chế, giảm thiểu tối đa các vụ việc xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dụng trẻ em nói riêng xảy ra trên địa bàn, Phú Thọ rất cần sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân; đặc biệt là trách nhiệm của cha, mẹ, người thân trong gia đình các em có hoàn cảnh thuộc diện có nguy cơ cao.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa