An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phú Thọ hỗ trợ đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng
09:19 AM 25/04/2023
(LĐXH)- Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ còn ưu tiên trợ giúp, hỗ trợ các đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Phú Thọ hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho 67.260 đối tượng, bao gồm: trợ cấp hàng tháng 65.487 người; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội (Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh) 319 người; mai táng phí 1.454 người. Tổng kinh phí chi trả là 405,262 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng ở Phú Thọ phải kể đến Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh. Đóng trên địa bàn xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng và là đơn vị trực thuộc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, Trung tâm đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, tâm thần, trẻ mồ côi, người gặp khó khăn mất hết nguồn sinh sống...
Thăm khám và chăm sóc sức khỏe đối tượng yếu thế tại Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ trực tiếp quản lý, chăm sóc đối tượng nữ là người tâm thần (Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ), chia sẻ: Tiếp xúc, quản lý, hướng dẫn lao động trị liệu cho 80 đối tượng nữ hàng ngày đối với tôi và cán bộ ở đây khá vất vả bởi tâm lý của đối tượng nữ khó ổn định hơn nam giới. Việc bị các đối tượng tấn công, xé quần áo là chuyện bình thường. Không chỉ đồng hành, hướng dẫn các đối tượng bị bệnh tâm thần trong sinh hoạt hàng ngày mà chúng tôi còn giúp họ lao động trị liệu để nâng cao sức khỏe tâm thần, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Đặc thù của đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm khá đa dạng về độ tuổi, mức độ khuyết tật và bệnh lý nên công tác chăm sóc và nuôi dưỡng được quan tâm thường xuyên chăm lo tới mọi hoạt động về ăn, ở và sinh hoạt. Theo đó định kỳ tổ chức đánh giá và phân ra các nhóm đối tượng cụ thể để có căn cứ đưa ra biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp. Trung tâm đã bố trí cán bộ nấu cơm phục vụ 3 bữa/ngày, món ăn thay đổi theo tuần, đảm bảo hợp lý về dinh dưỡng, đúng khẩu phần theo mức sinh hoạt phí quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị còn huy động nhân lực trồng rau xanh, tăng gia chăn nuôi cải thiện đời sống cung cấp thực phẩm sạch cho bếp ăn của đối tượng. Do vậy, bữa ăn của đối tượng luôn được duy trì ổn định và cải thiện, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, đời sống tinh thần của đối tượng được cải thiện, giúp họ có ý thức tự vận động vươn lên, khắc phục bệnh lý để hòa nhập với tập thể.
Tiếp đến, Trung tâm luôn chú trọng thực hiện tốt công tác hướng nghiệp lao động trị liệu, phục hồi chức năng phù hợp tùy theo tình trạng sức khỏe tạo được sự thoải mái về tinh thần và sự ổn định cho đối tượng nhất là đối tượng tâm thần. Thông qua các nghề như: Trồng rau, chăm sóc cây dược liệu, chăn nuôi lợn… cho thấy phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý của đông đảo đối tượng, giúp họ phục hồi chức năng và cải thiện sức khỏe. Nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động tập luyện phục hồi chức năng, giúp các đối tượng dần nâng cao thể lực, tích cực tham gia lao động trị liệu, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và có điều kiện phục hồi sức khỏe tái hòa nhập cộng đồng.
Những ngày đầu mới vào Trung tâm, anh Hà Khắc Huân (sinh năm 1974) ở huyện Thanh Ba là một trong những người khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng. Qua một thời gian tích cực lao động trị liệu, đến nay anh đã có thể giao tiếp bình thường, thậm chí hát trọn vẹn bài hát. Được biết, ba năm gần đây, Trung tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 20 người hồi phục sức khỏe và được tái hòa nhập cộng đồng và không còn để xảy ra tình trạng đối tượng bỏ trốn khỏi Trung tâm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Doanh Nam, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ, cho biết: Mặc dù công việc vất vả, luôn phải trực 24/24h, không có thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, song với đội ngũ 42 cán bộ, nhân viên, Trung tâm đã sắp xếp hợp lý khoa học các bộ phận: Quản trị nuôi dưỡng, y tế phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề, đào tạo truyền thông phát triển cộng đồng... Không những thế, Trung tâm còn liên tục cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn với các chuyên ngành phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Ông Hoàng Xuân Đoài, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, nhận xét: Thời gian qua, các chính sách trợ giúp xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hình thành xã hội công bằng và đảm bảo định hướng an sinh xã hội bền vững. Đặc biệt, hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả và thiết thực, trong đó có Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm