An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phú Thọ duy trì dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” theo Đề án 06
02:38 PM 20/03/2024
(LĐXH)- Trong năm 2024, tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dữ liệu phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư. Duy trì dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đến nay, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Trong đó, Phú Thọ đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng các Mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh Đề án 06.
Đặc biệt, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Phú Thọ và Tổ Công tác tại cơ sở đã phát huy vai trò của “hạt nhân” trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số. Nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phù hợp, thống nhất với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Phú Thọ tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Đề án 06

Tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương khảo sát, đánh giá để tận dụng hạ tầng sẵn có gắn với địa bàn cơ sở của người dân được hưởng những tiện ích từ Đề án 06. Trong quá trình triển khai thực hiện luôn đảm bảo hiệu quả, an ninh, an toàn và bảo mật bí mật thông tin công dân; tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật… để phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm của tỉnh Phú Thọ.
Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án 06 trên địa bàn. Trong đó có giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dữ liệu phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư. Duy trì dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Đẩy mạnh làm sạch, số hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để thống nhất về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện Đề án 06. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ công tác triển khai Đề án 06 và Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trong công tác tuyên tuyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hưởng thụ thành quả của Đề án.
Nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích của Đề án 06 đối với các lĩnh vực của đời sống, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Duy trì hiệu quả công tác cấp thẻ căn cước, định danh điện tử trên địa bàn đảm bảo 100% người dân tham gia thủ tục hành chính, dịch vụ công được định danh và xác thực điện tử; nâng cao tỷ lệ sử dụng chủ động định danh điện tử trong các hoạt động giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo đồng bộ. Duy trì, quán triệt thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, an ninh, an toàn trên không gian mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống bảo mật thông tin dữ liệu.
Tiếp đến là đảm bảo nguồn nhân lực tại 3 cấp đáp ứng các yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức; đề xuất cơ chế đặc thù để thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu.
Bố trí kinh phí để đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, tập trung kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với hệ thống công nghệ thông tin tại địa phương đảm bảo an ninh, an toàn mạng; đầu tư trang thiết bị đầu cuối cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Năm 2024, tỉnh Phú Thọ cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện các mô hình điểm Đề án 06. Duy trì thường xuyên cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Đề án để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...
Chí Tâm
TAG: đảm bảo “đúng sống”
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa