Phú Thọ đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ em
(LĐXH)- Nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện và thực hiện các quyền trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 400.900 trẻ em (chiếm 27,05% dân số), 4.847 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,2%), trong đó có 3.914 trẻ em đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 80,75%); 63 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 1.892 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trẻ em có cha, mẹ, người thân chết, nhiễm HIV; trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy). Trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 163.094 trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức đạt 100%...
Thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhằm phát huy và thực hiện tốt quyền của trẻ em, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch hành động và chính sách hỗ trợ vì trẻ em, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia vì trẻ em.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác dạy và học cho trẻ em ở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được quan tâm, giúp trẻ em phát triển toàn diện
Đối với mục tiêu về bảo vệ trẻ em, Phú Thọ đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 6,5% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đạt vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4,0% vào năm 2030.
Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% vào năm 2025 và xuống 4,5% vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 500/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em vào năm 2025 và xuống còn 15/100.000 vào năm 2030…
Về mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, tỉnh đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 65% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống dưới 9,5 vào năm 2025 và dưới 9 vào năm 2030. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh vào năm 2025 và duy trì 100% đến năm 2030…
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các sở, ngành, các huyện, thành, thị trong việc bảo đảm việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của sở, ngành, địa phương. Thực hiện chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; triển khai các chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên.
Trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)
Đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực, sự tham gia của xã hội đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về trẻ em.
Có thể thấy, trước sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều phong trào, mô hình bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang tác động tích cực đến việc thực hiện các quyền của trẻ em cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhận thức của các gia đình học sinh và xã hội về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao và có sự tham gia tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Chí Tâm
TAG: