Phú Thọ có hơn 69.500 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh có 69.526 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội, tổng kinh phí chi trả trên 283 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng 52.487 suất quà cho các đối tượng xã hội trên địa bàn, với tổng kinh phí 21.522.321.000 đồng. Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội 8.070 suất, với số tiền 1.547.300.000 đồng; người cao tuổi 15.825 suất, kinh phí 6.601.510.000 đồng…
Phú Thọ tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh)
Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XIX. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên thành 360.000 đồng/người/tháng (trước là 270.000 đồng).
Đặc biệt, để công tác hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đảm bảo chính xác, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh có phương án hỗ trợ, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát số đối tượng bảo trợ xã hội, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân để có kế hoạch hỗ trợ và thực hiện tốt công tác xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội. Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà, tặng xe lăn, hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, tỉnh và các địa phương trên địa bàn đã giúp đối tượng và gia đình cải thiện đời sống, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đến nay, công tác xác định đối tượng và hướng dẫn xác định đối tượng trợ giúp xã hội được các địa phương ở Phú Thọ thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch hơn, huy động được nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham gia; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức; giám sát và đánh giá.
Trong đó, một số địa phương tích cực chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để trợ giúp kịp thời trường hợp cần trợ giúp đột xuất như: người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội thành công trong chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, trợ giúp người cao tuổi do các địa phương thực hiện. Tính trung bình mỗi năm, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ kịp thời cho trên 100 hộ gia đình có người bị chết do tai nạn rủi ro, có nhà ở bị cháy, bị đổ sập do thiên tai số tiền gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, xã hội trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chương trình xã hội nhân đạo, từ thiện trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội như chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; chương trình giáo dục chuyên biệt, hoà nhập; chương trình trợ giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; chương trình hỗ trợ xe lăn, xe lắc, phương tiện trợ giúp di chuyển. Trợ giúp xã hội đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho hầu hết số đối tượng trợ giúp xã hội, đã giúp họ khẳng định vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng, tự tin hơn trong cuộc sống.
Tiếp đến, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội các cấp (tỉnh, huyện, xã) được quan tâm, đã hình thành được đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại 225 xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cộng tác viên xã hội đã từng bước phát huy vai trò hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội, giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Có thể nói, công tác bảo trợ xã hội của tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hình thành xã hội công bằng và bảo đảm định hướng an sinh xã hội bền vững. Các chính sách và giải pháp an sinh xã hội, bảo trợ xã hội đã giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm... Ngoài ra, nhờ sự quan tâm, trợ giúp từ cộng đồng xã hội, chất lượng cuộc sống của các đối tượng bảo trợ xã hội cũng từng bước được cải thiện, có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng cường học hỏi, hiểu biết để bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội.
Chí Tâm
TAG: