Giải trí
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Giải trí
Phú Quang bật khóc nghẹn ngào trong đêm nhạc riêng của mình
03:05 PM 03/04/2018
(LĐXH) Diễn ra tối 29/3/2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội, 6 giọng hát là 6 sắc màu âm nhạc hòa vào "Dương cầm lạnh và Phố cũ của tôi" làm nên một live show đậm màu Hà Nội.

Đêm nhạc "Dương cầm lạnh và Phố cũ của tôi" của nhạc sĩ Phú Quang diễn ra tối 29/3/2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội được bắt đầu bằng tiếng hát trong trẻo, tinh khôi của họa mi Khánh Linh. Ca khúc đưa người nghe "Về lại phố xưa" để tìm lại sự bồi hồi xao xuyến trong làn mưa trên lối vắng, với những đêm bình yên đi bên nhau trên những bước chân vô định cùng cơn gió lang thang để cảm nhận được tình em rất đỗi dịu dàng.

Và cũng Khánh Linh - người phụ nữ Hà thành đã trải nghiệm qua nhiều biến cố trong cuộc sống cất lên giai điệu đầy xúc động với "Mẹ yêu ơi!".Cô đã hát  thay cho tất cả nỗi lòng của người con gửi mẹ của mình:

Mẹ ơi! Những nỗi buồn mẹ giấu đi đâu? Mẹ chỉ dành cho con những nụ cười rạng rỡ. Con mãi là trẻ thơ trong mắt mẹ!...."

Cặp  vợ chồng nghệ sĩ Trinh Hương và Bùi Công Duy cùng xuất hiện trong đêm nhạc của cha mình, họ song tấu bản "Chuyện kể về tình yêu". Tiếng đàn piano của nghệ sĩ Trinh Hương hòa quyện cùng tiếng vĩ cầm réo rắt của Bùi Công Duy làm  nên những thanh âm diệu kỳ, cả khán phòng nhà hát lớn bỗng trở thành một thảo nguyên bát ngát với những cơn gió mát và bạt ngàn những đóa hóa rung rinh tỏa ngát hương.

Chuyện kể tình yêu muôn đời vẫn lãng mạn, vẫn đầy chất thơ mặc dù không phải lúc nào cuộc tình ấy cũng trọn vẹn, cũng hoàn hảo. Tiết mục song tấu của Trinh Hương và Bùi Công Duy là hương vị tuyệt vời trong đêm nhạc. 

Nhạc sỹ Phú Quang và ca sỹ Minh Chuyên trong liveshow
Dương cầm lạnh và Phố cũ của tôi.
Minh Chuyên với " Chuyện bình thường số 7", Romance1,  tiếng hát của cố lại đưa người nghe lạc vào mùa hạ rực rỡ với những gam màu tươi thắm và hương sắc đậm đà.Phú Quang là người có biệt tài đặc biệt khi "khai phá" những giọng hát đẹp và Minh Chuyên là người tiếp tục mang đến một sắc màu mới cho vị nhạc sĩ nổi tiếng "khó tính" này.
Cũng bởi ông đặt niềm tin cho giọng hát Minh Chuyên nên ông đã gửi gắm tiếng hát nồng nàn một ca khúc viết về Phú Thọ "Về lại miền thơ ấu" - nơi ông đã sinh ra và có nhiều kỷ niệm đẹp thời ấu thơ bên gia đình.Phú Quang không kìm được sự xúc động của mình, ông nghẹn ngào kể về câu chuyện cũ của gia đình về nỗi mất mát người thân yêu ruột thịt.  Khán giả yêu mến nhạc sĩ Phú Quang đã nổ những tràng pháo tay vang dội để chia sẻ động viên.
Bài hát về mảnh đất trung du còn lưu giữ vẹn nguyên những cảm xúc của Phú Quang, để khi tiếng hát Minh Chuyên cất lên, khán giả cảm nhận thấy dòng sông Lô cuộn chảy, bồi đắp, chở đầy những ân tình sâu nặng.
Nếu Minh Chuyên gây ngạc nhiên cho khán giả thì Tấn Minh lại thể hiện vị trí riêng của anh với dòng nhạc Phú Quang.Hầu như tất cả các đêm nhạc Phú Quang thì giọng ca Tấn Minh luôn là sự lựa chọn hàng đầu, sự tinh tế trong phong cách và giọng hát của Tấn Minh càng làm tăng thêm giá trị của âm nhạc Phú Quang hay nói một cách khác, nhờ âm nhạc của Phú Quang mà Tấn Minh định hình trong trái tim khán giả sự sang trọng đặc biệt.
Tấn Minh cũng nhờ nhạc sĩ Minh Tuấn đệm dương cầm cho anh hát bài "Nỗi nhớ mùa Đông" gửi tặng khán giả và đồng thời không quên lời tâm sự "Rất yêu thích bài hát này, nhưng chưa bao giờ được nhạc sĩ Phú Quang cho hát, lần này liều mình hát chui tặng khán giả với mong muốn lần sau chú Phú Quang đồng ý cho hát ca khúc này"
Cũng trong đêm nhạc "Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi", Phú Quang đã  thêm một lần nữa khẳng định sự lựa chọn ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là vô cùng hợp lý, chính xác và hiệu quả.
Đàm Vĩnh Hưng  mix hai bài hát:Nỗi nhớ và Im lặng đêm Hà Nội thành một liên khúc kết dính rất hài hòa. Nỗi nhớ như òa vỡ, như muốn cấu cào đầy sự day dứt được Đàm Vĩnh Hưng thể hiện khắc khoải với giọng hát khàn đặc trưng .
Rồi sau đó, anh kể về lý do vì sao anh tha thiết xin Phú Quang được hát bài Mẹ, đó là khoảng thời gian anh trải qua nỗi thất vọng lớn nhất khi không thể chạm vào trái tim của chính người Mẹ của mình, anh từng muốn dùng bài hát Mẹ để mong bà hiểu hơn nỗi khổ tâm dày vò anh trước những lỡ lầm mà chính người Mẹ của anh mắc phải. Đàm Vĩnh Hưng thú nhận rằng chính thời điểm đó, anh đã kỳ công cố gắng thu bài hát này bằng tất cả ước mong, hy vọng của mình nhưng không thu lại kết quả.
Khán giả nghe Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ xong đều có sự cảm thông và hiểu hơn vì sao anh vẫn luôn luôn dễ "nổi sung" và phản ứng dữ dội mỗi khi ai đó chọc phá anh.Có những nỗi đau âm ỉ trong lòng đã khiến Đàm Vĩnh Hưng phải chịu đựng suốt nhiều năm tháng và chỉ có lao động nghệ thuật say mê để tìm lối thoát cho mình. Vì lẽ đó mỗi khi có cơ hội được hát nhạc Phú Quang, Đàm Vĩnh Hưng luôn năn nỉ, tha thiết được hát ca khúc mà anh cảm thấy mắc nợ lớn nhất - "Mẹ".
Khán giả chưa dứt khỏi mạch cảm xúc dạt dào của Mẹ thì Mr. Đàm thể hiện bản Rock buồn bằng một phong cách hoàn toàn mới lạ, anh cũng thú nhận rằng chắc chắn "Ông Phú Quang sẽ rất sốc khi nghe bản hòa âm mới Rock buồn của Đàm Vĩnh Hưng”, nhưng chắc chắn một điều rằng nhạc sĩ Phú Quang sẽ thích thú trước bản hòa âm Rock buồn đúng chất Mr. Đàm.
Phần hai của đêm nhạc  được bắt đầu bằng tiếng cello trầm ấm của nghệ sĩ Hồng Ánh. Đêm nhạc chuyển dần sang gam màu trầm đầy chất tự sự.
Phú Quang xuất hiện  trong vai trò ca sĩ, ông hát "Bâng quơ" của chính đời mình và trước khi hát , ông lại chậm rãi tâm sự về những lý do và nguyên cớ để bài hát đó ra đời. Rồi Phú Quang không kìm nén được cảm xúc, ông lặng người khóc nghẹn.
Và ông hát: Đôi khi ta hát lời hát nghêu ngao/ 
Thương một vì sao giờ xa quá rồi /
Đôi khi ta thèm nghe lời em nói /
Dẫu biết bây giờ chỉ là xa xôi /
Đôi khi mưa về ta thương em rừng xưa rũ lá /
Đôi khi mưa về ta thương ta ngu ngơ bài ca”
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã tấu lên những điệu kèn mê hoặc với "Mơ về nơi xa lắm". Khán giả vỡ òa cảm xúc khi được đắm mình trong khúc mơ của anh, sự thổn thức, hồi hộp, cả những âu lo và hy vọng được gửi trong giấc mơ xa, qua tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn làm tan chảy mọi trái tim trơ lỳ nhất bởi đã chạm vào tận đáy tim người nghe những rung động ngọt ngào, sâu sắc nhất.
Trọng Tấn khoe chất giọng nam cao rất sáng của mình để hát: “Dịu dàng ơi!”. Trọng Tấn cũng cho biết anh cảm thấy vô cùng thích thú khi được giao bài hát này, anh thích những câu hát giàu hình ảnh và đẹp vô cùng như: “Em cười vời vợi thế!
Những bước chân lặng lẽ của tôi
Tà áo trắng trong bên tôi cành khô đau đáu bão bùng.

Phố đầy người dưng hờ hững bước chân qua
Em mỏng manh mùa thu hiền quá!”.
Anh cũng vui vẻ ví von sự liên tưởng về độ lãng mạn của nhạc sĩ Phú Quang khi thấy một tà áo trắng nhưng ông vẫn rất xúc động, dẫu cho giờ thì nhạc sĩ là "cành khô" rồi nhưng vẫn đau đáu bão bùng. Bài hát có ca từ và giai điệu quá đẹp được thể hiện qua tiếng hát vang sáng của Trọng Tấn làm cho khán phòng ngập tràn sự lạc quan, tươi trẻ.
Sau đó, Trọng Tấn tiếp nối mạch cảm xúc với "Có một ngày và Tâm sự người ca sĩ" với những trải nghiệm  sâu sắc hơn. Anh cũng không quên cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang đã viết hộ tiếng lòng của những kiếp cầm ca với một niềm tin mãi không bao giờ nhạt phai.
 Khán giả lần đầu tiên được thưởng thức màn song ca của Trọng Tấn và Tham lam trong "Điều giản dị". Giọng hát nam cao của Trọng Tấn quyện hòa cùng chất giọng dày và ấm nồng của Thanh Lam khiến cho "Điều giản dị" trở thành "điều kỳ diệu".
Thanh Lam được nhạc sĩ Phú Quang  sự lựa chọn để khép lại đêm nhạc.Người đàn bà hát chưa khi nào thôi khát khao, chưa lúc nào bớt đi vẻ hừng hực của sự đam mê cháy bỏng. Thanh Lam như ngọn lửa của rừng chiều cháy dữ dội và làm cả khán phòng bốc cháy ngùn ngụt,  dường như sức nóng của giọng hát này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chị thể hiện các ca khúc "Đâu phải bởi mùa Thu, Giọt nước mắt đầu tiên, Em ơi Hà Nội phố".
Phú Quang xuất hiện trên sân khấu cùng các nghệ sĩ hát bài kết "Hà Nội ngày trở về".  Trong bóng dáng xiêu xiêu  của người nghệ sĩ già đã thấy những dấu vết của tháng năm cũ, đã thấy run run trong tiếng hát được phong kín những luyến tiếc và sự day dứt, đầy những sự xác xơ, phiêu bạt của một đời người.
"Dương cầm lạnh và phố cũ của tôi" - hai đêm nhạc không còn ghế trống, thậm chí người ta còn kê ghế phụ hoặc ngồi bệt tràn cả lối đi. Người Hà Nội nghe nhạc Phú Quang giống như một thói quen không bao giờ bỏ được. Vẫn là những bài hát cũ, vẫn là những giọng hát quen, vẫn là những câu chuyện mà Phú Quang luôn ngậm ngùi mỗi khi chia sẻ. Vẫn là chuyện phố cũ với câu chuyện tình yêu, vẫn là thân phận của một kiếp người với các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố.
6 giọng hát là 6 sắc màu âm nhạc hòa vào "Dương cầm lạnh và Phố cũ của tôi" làm nên một live show đậm màu Hà Nội.
PV
TAG:
Tin khác
Thạc sĩ Vũ Hồng Yến lan toả ý nghĩa sự phát triển Yoga toàn diện tại Ấn Độ
Long An tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch lần 2 năm 2024
Tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và Incheon
Bộ phim “Không thời gian” khắc họa bức tranh sống động về chiến sĩ quân đội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai – Người làm thay đổi diện mạo đền Rừng
Phiêu du Show khẳng định hình ảnh với chuỗi liveshow, sự kiện mang đậm màu sắc âm nhạc đương đại, giàu cảm xúc
Đắm chìm trong thế giới gốm đầy cảm xúc tại Triển lãm “Hiện Linh” của họa sĩ Ngô Xuân Bính
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024: “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”
TikTok Awards Việt Nam 2024 chính thức khởi động với chủ đề 'The Icons of Tomorrow, Today - Dấu ấn hiện tại tạo cảm hứng tương lai