Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Phụ nữ hãy cởi trói cho mình và thế giới của mình
10:42 AM 22/10/2018
Phụ nữ thường bộn bề trong công việc bếp núc, chăm sóc con cái cũng như các công việc ở cơ quan, ngoài xã hội. Phụ nữ thường “trói” bản thân mình vào những công việc ấy bởi họ nghĩ rằng đó là nhiệm vụ của mình. Họ phải “đảm đang” đến tội nghiệp, họ cứ vơ lấy những công việc ấy như bổn phận của mình.
Cởi trói cho mình
Với công việc bếp núc, ngày thường họ đã bộn bề - luôn tay luôn chân, thì những ngày có khách khứa, những ngày lễ tết, họ lại bộn bề gấp bội. Họ bộn bề một phần do thế giới đàn ông “quy trách nhiệm” cho phụ nữ, một phần lớn là do bản thân họ tự “chuốc” lấy. Đàn ông chè chén no say, còn họ, trước và sau bữa ăn đều tất tả vì nấu nướng, dọn rửa suốt ngày. Chăm sóc con cái cũng vậy, họ cứ muốn cái gì cũng từ “bàn tay” của mẹ là tốt nhất. Họ cứ sợ con thế này, con thế kia nên “gom” việc ấy phần mình. Ở cơ quan, công ty, có thể nói họ làm việc chăm chỉ hơn đàn ông, thế nhưng về nhà, họ cũng làm những việc nhà nhiều hơn cánh đàn ông.
Tại sao lại như vậy? Phải chăng “phận đàn bà” đã ăn sâu vào máu thịt họ? Họ cứ an phận để “trong ấm ngoài êm”. Chính vì suy nghĩ vậy nên rất nhiều người phụ nữ cứ trói mình trong chuyện bình đẳng.
 Cởi trói cho thế giới của mình
Chính phụ nữ cũng là người đem đến sự bất bình đẳng cho mình. Với lối suy nghĩ truyền thống của họ mà khoảng cách bình đẳng giới thấy rõ. Có thể nhìn nhận ở một số khía cạnh như:
- Nếu gia đình có một gái một trai, chính người mẹ đã bất công với con gái của mình khi nuông chiều con trai, ưu ái con trai làm tổn thương con gái. Con trai đòi cái này, muốn cái kia đều được đáp ứng. Còn con gái thì…phải nhường. Điều này khá phổ biến ở Việt Nam.
- Mẹ chồng làm khổ con dâu. Rất phổ biến sự bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu sống cùng một ngôi nhà. Mẹ chồng thường bắt bẻ, làm khó con dâu thế này thế nọ. Đã từng làm dâu, đã từng chịu nhiều sự bất công khi ở với mẹ chồng, sao những bà mẹ chồng không “thấm” điều đó để yêu thương dâu con nhiều hơn? Vòng xoáy này bao giờ phụ nữ giải thoát cho mình.
- Khá nhiều phụ nữ khi đi chợ hay đi làm, nhiều người thấy phụ nữ mang bầu, sợ “xui xẻo” nên họ đã quay trở vào. Khi người phụ nữ ấy đi khuất rồi, họ mới bước ra cổng đi tiếp. Người phụ nữ mang bầu, những ngày tết không được đến nhà khác. Đến nhà khác đầu năm sợ mang đến … xui xẻo.
- Đàn ông quyết định những việc lớn trong gia đình. Của chồng công vợ, thế nhưng khi có những trường hợp người phụ nữ và đàn ông có quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ như nhau trong gia đình, nhiều người phụ nữ cho là “cá biệt”. Đôi khi họ còn nghĩ người đàn ông bình đẳng như vậy là “sợ vợ”.
Lẽ ra phụ nữ cần đấu tranh và ủng hộ quyền bình đẳng cho thế giới của mình thì nhiều người lại đi ngược sự bình đẳng ấy.
- Khi tổ chức họp lớp, phái nữ ít khi có mặt. Một số thành viên có mặt thì bị xem là “cá biệt”. Chính phụ nữ lại trách thế giới của họ là ham vui, không lo cho con cái. Những cuộc họp mặt như vậy là dành cho đàn ông.
Bình đẳng cần sự “giao hòa” cả hai phía
Xã hội càng văn minh, hiện đại và nghĩa tình thì sự bình đẳng giới cần có sự giao hòa của hai phía. Với thế giới đàn ông, cần có quan niệm khác, cần thoát đi lối suy nghĩ xưa cũ, hãy trân trọng phụ nữ, hãy “cởi trói” cho phụ nữ bằng việc chung tay làm việc thiết thực trong cuộc sống hằng ngày hay những việc lớn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Với phụ nữ, hãy cởi bỏ những lối nghĩ và lối sống “phận đàn bà”. Hãy đấu tranh cho bản thân mình và thế giới của mình trong cuộc sống hiện đại này.
Thái Hoàng

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn