Phụ huynh “sốc” trước chuyện của con tuổi mới lớn
Học sinh nữ hỏi làm sao để quan hệ mà không có bầu, nam sinh... hỏi nhiều nhất về vô sinh. Nhiều vấn đề của con trẻ ở tuổi mới lớn mà ít bậc cha mẹ nghĩ là có thể xảy ra với con mình.
Những khó khăn, bất ổn, thách thức của phụ huynh lẫn con trẻ khi con bước vào độ tuổi dậy thì được đề cập tại buổi chuyên đề “Làm bạn cùng con tuổi mới lớn” do Emile Việt Education (EVE) tổ chức diễn ra vào ngày 5/11 được dẫn dắt bởi nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM).
Phụ huynh... không tin nổi
Nhuộm tóc quái dị, hút thuốc, hôn nhau ngay trong lớp học... - hình ảnh “nổi loạn” của những học sinh cấp 2 đã được đưa ra tại buổi nói chuyện. Hầu hết phụ huynh tham gia đều lắc đầu không tin được và rất khó để chấp nhận nếu đó là con mình.
ThS Nguyễn Thị Thu Huyền kể, khi học bên Anh, bà ở trong gia đình có con gái cũng ở độ tuổi dậy thì. Cô bé hút thuốc, trang điểm, chiếc áo mới tinh bà mẹ vừa mua, cô dùng kéo cắt đến ngang bụng. Có lần, bà mẹ gọi đến 10 lần - dù cách nhau chỉ mấy bậc thang - cô bé không thèm trả lời... Giận con mà bà mẹ phải vào nhà tắm dội nước lên người mình, nhúng đầu mình vào chậu nước để kiềm chế.
Bà Huyền nhấn mạnh, ở độ tuổi mới lớn, trẻ thường nổi loạn, cực kỳ gây hấn, cực kỳ thách thức. Đặc biệt là vào những thời điểm nào đó hay ngày nào đó, cảm xúc của trẻ rất xấu.
Rất nhiều vấn đề của con trẻ ở độ tuổi này, theo bà Huyền, cha mẹ sẽ không tin nổi xảy ra với con mình. Trong nhiều buổi tư vấn ở một số trường học, cả cấp hai, bà ghi nhận, các em đặt rất nhiều câu hỏi về những chuyện có thể làm bố mẹ té ngửa.
“Nhiều bạn nữ đặt câu hỏi, làm sao để quan hệ mà không có thai. Còn nhiều bạn nam hỏi về vô sinh”, bà Huyền nói và cho rằng điều này xuất phát từ lo lắng các em quan hệ tình dục sớm, thủ dâm... Đặc biệt, có nhiều em làm “chuyện người lớn” không xuất phát từ tình cảm, có trường hợp chỉ là hai người bạn rủ nhau làm để... cho biết.
phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, đỗ gãy về giá trị sống
Một giáo viên tại TPHCM tham gia buổi nói chuyện cho biết, các em học sinh thường xuyên tìm đến cô để hỏi về những chuyện tế nhị như quan hệ nam nữ, quan hệ đồng tính... Có cả những nữ sinh mang thai ngoài ý muốn cũng đến hỏi cô giờ phải làm sao. Các cô không có chuyên môn, phải giới thiệu các em đến chuyên viên tâm lý.
“Nhiều chuyện của con trẻ bố mẹ nghe có thể cho là nói quá, bố mẹ không tin nhưng giáo viên, các chuyên viên tâm lý thì nghe các em kể thường xuyên”, cô giáo cho hay.
Trẻ hoang mang vì những đổ gãy về giá trị
Phụ huynh ngày nay đầu tư cho con nhiều học hành, về vật chất... có thể nói trẻ không trải qua tuổi thơ thiếu thốn, đói khổ. Không ít người cho rằng, trẻ con bây giờ đầy đủ, sung sướng, không phải lo thứ gì. Điệp khúc “ngày xưa” của bố mẹ cũng nhằm so sánh ngày trước mình khổ chứ không được như con cái bây giờ.
sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô (ảnh minh họa)
Trước các tình huống của con, bố mẹ thường hay than, ngày xưa mình đâu có như vậy. Thật ra, theo bà Huyền, đứa trẻ bây giờ vất vả và khó khăn hơn các thế hệ trước rất nhiều. Các em phải đối diện với những khủng hoảng về giá trị sống, với tiêu cực, với những cách hành xử không đồng nhất của người lớn khiến các các em hoang mang.
Trong khi, bà Huyền nhấn mạnh, đây là lứa tuổi hình thành bản sắc cá nhân. Các em đi tìm câu trả lời mình là ai, mình sẽ trở thành người như thế nào… Chúng tỏ ra bất cần, không muốn nghe lời khuyên bố mẹ nhưng thật ra rất hoang mang, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của bố mẹ, của giáo viên.
Điều cần nhất là bố mẹ cần xem lại cách tiếp cận con, tránh chê bai, phán xét, dán nhãn. Không chờ vào tuổi dậy thì mà khi con còn bé đã phải chú ý xây dựng, thiết lập mối quan hệ tin cậy giữa bố mẹ và con. Nhiều ca tư vấn, bà Huyền thấy rõ, nếu chỉ can thiệp trẻ là không đủ mà cần can thiệp, tư vấn với chính bố mẹ.
Theo Dân trí
TAG: