An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phú Bình: đào tạo nghề để nâng cao chất lượng việc làm cho lao động dân tộc thiểu số và miền núi
10:59 AM 18/12/2023
(LĐXH) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) có 17.826 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu… chiếm 10,2% dân số, tập trung ở các xã Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim và Bàn Đạt. Công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động người dân tộc thiểu số nói riêng luôn được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, thu hút sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của các ban ngành, cơ sở, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Theo đó, địa phương sẽ tập trung đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là lao động nông thôn và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng; Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động tại vùng dân tộc miền núi tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm giúp người lao động lựa chọn việc làm và ngành nghề đào tạo phù hợp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động thói quen tìm việc làm, phỏng vấn và tuyển dụng lao động thông qua trang tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên và tại Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên.

Mở rộng hoạt động dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số 
(Ảnh minh hoạ)

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã liên kết với các trung tâm, trường dạy nghề, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo các nghề ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu và khả năng theo học của người dân như chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, sử dụng thuốc thú y. Đồng thời, phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền chính sách về lao động, giáo dục hướng nghiệp để người dân được biết và tham gia học nghề.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị đều xác định thông qua đào tạo nghề mới có thể giúp người lao động, nhất là người đồng bào có tay nghề, kỹ năng làm việc để ổn định công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống. Tiêu biểu, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã phối hợp với các xã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 175 học viên. Đối tượng tham gia học nghề là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có độ tuổi từ 15-60. Trong số 5 lớp đào tạo nghề có 3 lớp chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò được tổ chức tại các xã Tân Hòa, Tân Thành, Tân Khánh; 2 lớp chăn nuôi và trị bệnh cho gà được tổ chức tại 2 xã Tân Kim, Tân Hòa. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp giấy chứng nhận.

Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động – TBXH huyện Phú Bình cho biết, để hỗ trợ việc làm cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS, từ đầu tháng 4/2023, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch Tổ chức Ngày hội việc làm, tư vẫn hướng nghiệp. UBND các xã, thị trấn đã thực hiện tuyên truyền về Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp của huyện bằng nhiều hình thức để người lao động có nhu cầu tìm việc làm biết và tham dự; vận động người lao động ở địa phương, tập trung đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham dự sự kiện này.

“Ngày hội việc làm là hoạt động được huyện Phú Bình tổ chức thường niên nhằm kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo nghề để tìm hiểu, lựa chọn những việc làm, nghề học phù hợp. Chương trình tuyển dụng này có ý nghĩa lớn đối với huyện Phú Bình, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm, đồng thời huyện thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội”, ông Giang chia sẻ thêm.

Bên cạnh triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân trên địa bàn Phú Bình còn hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023, trong đó, đối với Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, tổng nguồn vốn giao năm 2023 là 1.028 triệu đồng (ngân sách chuyển nguồn năm 2022 là 245 triệu đồng, ngân sách năm 2023 là 783 triệu đồng).

Việc triển khai kịp thời những chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Bình có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách vùng niềm núi, vùng đặc biệt khó khăn với đô thị, về kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, huyện Phú Bình còn 1.213 hộ nghèo (giảm 428/229 hộ so với kế hoạch tỉnh giao), chiếm tỷ lệ 3,09% (giảm 1,09/0,58% kế hoạch), vượt 186,89% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Hộ cận nghèo còn 1.301 hộ, chiếm tỷ lệ 3,31% (giảm 1,14/0.29% kế hoạch, giảm 443/113 hộ), vượt tỷ lệ 392,03% kế hoạch tỉnh giao./.

 Trần Huyền

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa