Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" lan toả tại các cấp hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội
10:14 AM 25/08/2022
Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công, động viên người có công vươn lên trong cuộc sống qua đó bồi đắp và thắp sáng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn. Trên tinh thần đó, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội thông qua những hoạt động cụ thể, đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Trên địa bàn quận Hà Đông, trong 05 năm gần đây, vào mỗi dịp Lễ tết, kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Hội LHPN các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng 3.573 xuất quà trị giá trên 1,7 tỷ đồng; trao tặng 1 xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam loại 1; trao trên 100 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, thanh niên xung phong với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Hội LHPN quận Hà Đông phối hợp với Học viện Quân Y, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, Hội Bác sĩ tình nguyện tổ chức Hội cũng đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho trên 1.500 lượt đối tượng là thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn quận và một số địa phương như: huyện đảo Bạch Long Vỹ và huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Khám mắt, tặng kính miễn phí cho 257 hội viên gia đình chính sách, con gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Hội phối hợp cùng với câu lạc bộ nữ doanh nhân của quận tham gia đóng góp 1.309 ngày công, ủng hộ gần 1 tỷ đồng xây dựng 18 nhà “Mái ấm nghĩa tình”, "Mái ấm tình thương", “Nhà tình nghĩa” cho nữ thanh niên xung phong, gia đình chính sách, gia đình hội viên khó khăn trên địa bàn quận. Từ phong trào Đền ơn đáp nghĩa của các cấp Hội đã xuất hiện nhiều gương cán bộ Hội là mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh đã dũng cảm vượt lên thử thách làm chỗ dựa vừng chắc cho gia đình, đồng thời tích cực tham gia công tác xã hội, không coi mình là đối tượng chính sách được quan tâm, đãi ngộ.

Các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành phố quan tâm thực hiện chính sách người có công bằng cả trách nhiệm và tình cảm

Tại huyện Mê Linh, theo bà Bùi Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết trong giai đoạn 2018 - 2022, các cấp Hội đã giúp trên 3.000 ngày công, tặng trên 2.000 suất quà với số tiền trên 700 triệu đồng; hỗ trợ xây, sửa mái ấm tình thương và giúp đỡ cho vay vốn gần 300 hộ hội viên trong các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình với số tiền 5 tỷ đồng. Hằng năm, Hội đều phát động toàn thể cán bộ, hội viên tham gia vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ; thắp nến tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do cho tổ quốc; vận động hội viên và gia đình ủng hộ "Quỹ Vì biển đảo thân yêu", Quỹ "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", tặng quà các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo, bộ đội Trường Sa, tặng quà cho các tân binh lên đường thực hiện nghĩ vụ quân sự… bằng tiền và hiện vật với trị giá trên 500 triệu đồng. Cùng với đó, các cấp Hội LHPN toàn huyện đã tổ chức giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, đặc biệt nữ thương, bệnh binh, nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, bằng các hoạt động thiết thực. Phụ nữ toàn huyện đã yhực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", các cấp Hội phụ nữ triển khai các mô hình: "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", "Tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày", "Hũ gạo tiết kiệm", "Điểm nhân ái"... Thông qua các mô hình tiết kiệm, các cấp Hội toàn huyện đã tặng hàng trăm chiếc xe đạp, học bổng, quần áo đồng phục với số tiền gần 1 tỷ đồng cho các hộ gia đình chính sách nghèo, khó khăn; những việc làm của các cấp hội phụ nữ Mê Linh tuy nhỏ bé nhưng là tình cảm, thể hiện lòng biết ơn, ý thức trách nhiệm, góp phần cùng xã hội chăm lo các gia đình chính sách.

Riêng tại Đan Phượng, việc trao tặng áo lụa, khăn lụa cho thân nhân liệt sĩ, nữ thương binh là hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết. Chủ tịch LHPN huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết, 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, trao tặng 772 suất quà, 31 sổ tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3 “Nhà tình nghĩa”; trao tặng áo lụa, cấp thuốc miễn phí với tổng kinh phí 613 triệu đồng… Những việc làm của cán bộ hội viên đã góp phần bù đắp, vơi bớt những khó khăn, mất mát cho các đối tượng chính sách, người có công.

Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, Hội LHPN phường Phúc Đồng (quận Long Biên) cũng có những việc làm thiết thực, đơn cử như nhận phụng dưỡng hằng tháng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bút (sinh năm 1921) từ năm 2015 đến nay, với số tiền 500.000 đồng/tháng. Hằng năm, tổ chức 2 đợt trao tặng quà vào dịp lễ, Tết cho các đối tượng chính sách là nữ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và cán bộ bị địch bắt tù đày. Chủ tịch Hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Lập chia sẻ: “Ngoài thăm động viên các gia đình chính sách, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, dâng hương, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ của địa phương”.

Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thăm và tri ân với người có công nhân các dịp lễ tết, ngày 27/7

Trên tinh thần bám sát sự chỉ đạo của Hội LHPN thành phố Hà Nội, sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ, phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'' trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua đã được triển khai sâu rộng và ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, nhất là đối với mẹ liệt sỹ cô đơn, khó khăn đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên được các cấp Hội phụ nữ trong quận đặc biệt quan tâm. Đối với mỗi cá nhân hội viên phụ nữ thủ đô, theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, bà Lê Kim Anh, cho rằng thông qua các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa đã cổ vũ, động viên được đông đảo các tầng lớp cán bộ hội viên phụ nữ tham gia, tạo nên phong trào cách mạng rộng khắp trên toàn địa bàn. Kết quả trong 5 năm qua, các cấp Hội đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 28 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh; gặp mặt, thăm hỏi tặng quà động viên 10.953 gia đình chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh; đỡ đầu chăm sóc 58 con liệt sĩ, thương binh; tặng 1.163 sổ tiết kiệm…. trị giá gần 24 tỷ đồng. Vận động các nguồn lực hỗ trợ xây, sửa 81 nhà tình nghĩa trị giá 3,42 tỷ đồng; tích cực ủng hộ "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam", "Vì Trường Sa"... Có thể thấy, thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, Hội LHPN các cấp của thành phố ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức Hội, đồng thời góp phần trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác người có công của thành phố Hà Nội: 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với hàng chục ngàn hộ gia đình người có công với cách mạng; thành phố Hà Nội không còn hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và phấn đấu không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới.

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và các cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa; thăm, trao tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, nữ thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố; tổ chức giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”... Đồng thời, duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống trong cán bộ, hội viên phụ nữ: Tham quan các địa chỉ đỏ, các di tích cách mạng, kháng chiến; tổ chức dâng hương, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ của thành phố Hà Nội, nghĩa trang liệt sĩ một số tỉnh khu vực miền Trung, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn các phường thuộc quận...

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội tiếp tục duy trì việc phụng dưỡng chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, nữ cựu tù chính trị, mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh cô đơn, hoàn cảnh khó khăn; Vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia đóng góp xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa"; Tiếp tục phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công tại địa phương; phát hiện biểu dương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; thiết thực phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo đảm an sinh xã hội.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
Hiệu quả từ Kỳ họp giả định Hội đồng nhân dân trẻ em tỉnh Yên Bái
Vĩnh Long thực hiện hiệu quả các dự án giảm nghèo
Bắc Giang: Chung tay chăm lo đời sống người có công
Quảng Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Yên Bái đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'