Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Phi lý những dự án tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: 3.000 tỷ 'thi gan' với trời
10:55 AM 19/08/2016
Được khởi công từ cuối 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao vào giữa năm 2013, trước mùa mưa bão. Nhưng đến nay đã quá hạn 3 năm, dự án gần như vẫn “nằm im một chỗ”.

Mang tính cấp bách

Được biết, Đại Dự án cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông là một trong những dự án quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc và là dự án lớn nhất từ trước đến nay của hai huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc. Đây được xem là công trình giao thông cấp bách phục vụ công tác phòng chống lũ lụt, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương này.
Năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị về việc chỉ định thầu Dự án nâng cấp đê tả sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phó Thủ tướng khi đó đã có ý kiến chỉ đạo theo Công văn số 1497/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 10/3/2010 về việc chỉ định thầu Dự án nâng cấp đê tả sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Như vậy, không thể phủ nhận dự án này có ý nghĩa hết sức to lớn, nếu được hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng dự án.

Phi lý những dự án tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: 3.000 tỷ 'thi gan' với trời - Ảnh 1

Công trường thi công vắng bóng?

Dự án còn có ý nghĩa đảm bảo tài sản tính mạng của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, chống lấn chiếm hành lang đê, ứng cứu kịp thời cho các vùng khi xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Đồng thời, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hình thành một trục giao thông chính liên kết các xã, huyện phía nam của tỉnh với các đầu mối kinh tế xã hội của vùng như Hà Nội, Việt Trì.
Qua tìm hiểu được biết, tại huyện Vĩnh Tường, tổng mức đầu tư của dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Trên cơ sở dự án được phê duyệt, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế đã khẩn trương tiến hành khảo sát lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và trình Sở Giao thông vận tải thẩm định. Sau khi UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và điều chỉnh, bổ sung; dự án có tổng mức dự toán được phê duyệt là 1.492,492 tỷ đồng.
Công trình có chiều dài 18km chạy qua 11 xã với khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng lớn. Trước đó, UBND huyện đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê và đã phê duyệt, chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng phần cây cối, đất nông nghiệp.
Dự án được chia thành 3 gói thầu do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn), liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng.
Tại huyện Yên Lạc (có tổng dự toán được phê duyệt trên 1.171 tỷ đồng), gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc, Vĩnh Phúc thực hiện thầu.
Dự kiến dự án đi qua hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2013, nhưng cho đến nay dự án này vẫn đang “đánh đu” với tiến độ, đồng nghĩa với việc phủ nhận tính cấp bách như ban đầu mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra. Đồng thời, khiến người ta không khỏi nghi ngại về năng lực của các nhà thầu nói trên.
“Ì ạch” tiến độ
Ngày Đại dự án cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông khởi công rầm rộ ở hàng loạt các đoạn tại đê tả sông Hồng đoạn chạy qua hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường người dân địa phương hồ hởi mong đợi. Xe chở đất, máy cẩu, máy xúc ồ ạt hoạt động khiến quá trình thi công dự án hứa hẹn ngày hoàn thành.
Người dân mong đợi một tuyến đê vững chắc, tuyến đường giao thông thoáng rộng, mặc dù thời điểm ấy đi lại trên đê khó khăn, bụi và ồn ào nhưng không ai kêu ca phàn nàn. Thế nhưng, gần 6 năm nay, Dự án vẫn chỉ đổ được đất nền, một vài đoạn có bê tông còn lại là đất, bẩn và bụi...
Dư luận nghi ngại rằng một nguồn vốn lớn lên đến 2.600 tỷ đồng, công trình mang tính cấp bách đáng ra phải được đấu thầu để chọn lựa được một nhà thầu có năng lực hơn, biết đâu công trình đã hoàn thiện và không nằm thi gan với tiến độ như hiện nay.
Phi lý những dự án tiền tỷ ở Vĩnh Phúc: 3.000 tỷ 'thi gan' với trời - Ảnh 2

Dự án đến nay vẫn "phơi gan" cùng mưa nắng.

Trái với việc thi công rầm rộ vào thời điểm ban đầu, hiện nay theo quan sát của PV, công trình đang ngổn ngang những vật liệu, máy móc nằm im đợi những đợt thi công mới, thậm chí có đoạn còn y như ban đầu chưa hề được động chạm tới.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao dự án lại đang phải nằm “đắp chiếu”, do năng lực của các nhà thầu hay các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc yếu kém và bao giờ thì công trình mới có thể hoàn thành?
Trước khi có câu trả lời từ các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc thì người dân địa phương đang gánh chịu hậu quả về môi trường, đời sống sinh hoạt khi mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt… Và không biết tính mạng của họ có được đảm bảo trong các mùa mưa bão…
Gần 2.000 ngày là thời gian mà Đại dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông” từ lúc khởi công đến nay vẫn “đắp chiếu”...
Mòn mỏi đợi chờ
Cuối tháng 12/2011, dự án được khởi công rầm rộ, hàng nghìn người dân địa phương vui mừng vì sắp có một tuyến đê an toàn, mang lại cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên đến nay, những gì đang diễn ra tại dự án này lại khiến người dân thất vọng.
Theo cam kết, dự án thực hiện đến tháng 12/2013 phải hoàn thành. Nhưng theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn đang “đắp chiếu”, nhiều đoạn thi công cầm chừng.
Tuyến đê tả sông Hồng trước đây vốn là tuyến đường giao thông huyết mạch nối 6 xã ven sông của huyện Yên Lạc và các xã của huyện Vĩnh Tường. Nhưng kể từ ngày Đại dự án triển khai, tuyến đường đê thơ mộng ngày nào bỗng chốc được người dân địa phương gọi là “cung đường chết”.
Người dân gọi tuyến đường là “cung đường chết” bởi lẽ cả tuyến đê vắng ngắt không người qua lại, chỉ ở những nút giao thông mới thấp thoáng bóng người và phương tiện tham gia giao thông.
Giải thích về điều này, nhiều người dân cho rằng, không phải không muốn đi trên đê, mà vì từ khi dự án triển khai đến nay, từng đoạn của đê tả bị cắt khúc, đổ đất san nền nhấp nhô những ổ gà, ổ voi không thể đi lại. Thậm chí, ở nhiều đoạn thuộc huyện Yên Lạc còn được đơn vị thi công đổ đất thành từng đống vô hình tạo nên những vũng nước, mặt nền cao cả mét, xe chạy qua là chết máy.

Để đối phó với việc đi lại, nhiều phương tiện tự tìm cho mình giải pháp tình thế là phi xuống đường giao thông nông thôn ở các xã gây nứt vỡ đường bê tông, bụi bẩn. Việc người dân chặn xe vì phá hỏng đường, bụi, ách tắc xảy ra như cơm bữa...

Trong khi đó, gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc thi công thì mới tiến hành san nền được 3 xã là Nguyệt Đức, Yên Phương, và Liên Châu. Riêng tuyến đê đoạn chạy qua xã Đại Tự huyện Yên Lạc vẫn nguyên vẹn chưa có dấu vết của việc thi công.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn tuyến dự án qua huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường có tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng. Tính đến 5/2015, Dự án đến nay đã giải ngân được khoảng 600 tỷ đồng/khoảng 1.500 tỷ đồng đối với gói thầu ở huyện Vĩnh Tường.

Trong đó, gói thầu số 1 và số 3 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn nhận thầu với tổng số vốn đầu tư của cả 2 gói thầu khoảng hơn 940 tỷ đồng. Gói 1 đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đã được cấp 20 tỷ; gói 3 khoảng 900 tỷ, đã được cấp hơn 300 tỷ.

Riêng gói thầu số 2 được chỉ định thầu cho liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đã được cấp hơn 40 tỷ. Lý do dự án chậm tiến độ là vì chưa bố trí được vốn, khó khăn trong việc tìm nguồn lấy đất đắp đê.

Riêng gói thầu tại huyện Yên Lạc hiện nay đang “đắp chiếu”, chưa bố trí được nguồn vốn, tổng giá trị khối lượng chỉ đạt được khoảng 30% cho các gói thầu.

Từ một dự án phải hoàn thành trong 540 ngày, nhưng đến nay đã gần 2000 ngày vẫn “đắp chiếu” chờ vốn? Từ một dự án mang tính cấp bách như thế nhưng lại thực hiện theo kiểu cầm chừng, và chủ đầu tư bây giờ mới “loay hoay” tìm vốn thử hỏi Đại dự án bao giờ mới xong? Câu hỏi này, một lần nữa xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, bao giờ và đến bao giờ?!...


Theo Người đưa tin

TAG:
Tin khác
Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2024 đạt hơn 274 nghìn tỷ đồng
ABBANK và MAYBANK tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược
Tháo gỡ nút thắt trong chuyển đổi xanh: Biến phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị
Triển lãm Điện tử Quốc tế - NEPCON Việt Nam 2024: Cơ hội kết nối, hợp tác và thúc đẩy đổi mới công nghệ
Sconnect và Sun Media hợp tác phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số
Niềm vui từ thẻ tiêu dùng tại cửa hàng dân sinh “Triệu Nụ Cười”
Sắp diễn ra Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024
Phát triển kinh tế xanh doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi
 Đảm bảo điều kiện thông quan thông suốt tại Hải Phòng và Quảng Ninh