An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát triển ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp
08:53 AM 29/10/2021
(LĐXH) - BHXH Việt Nam vừa ổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn quốc tế về Định hướng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì.
Cùng tham dự, có ông Kidong Park - Quyền Điều phối viên thường trú các tổ chức UNDP, Trưởng Đại diện WHO; bà Marielle Phe Goursat - Giám đốc dự án, cố vấn trưởng dự án ILO-Luxembourg về Mở rộng bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á - ILO; ngài Christophe Lemiere - Trưởng nhóm Chương trình phát triển con người, Ngân hàng Thế giới… Tại điểm cầu quốc tế còn có một số chuyên gia đến từ một số trường đại học và một số tổ chức quốc tế trên thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện BHXH Việt Nam giới thiệu qua về định hướng chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là nội dung có trong Đề án “Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” mà BHXH Việt Nam đang xây dựng. Chiến lược phát triển này nhằm cụ thể hoá những nội dung cần sửa đổi bổ sung về chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật BHXH, BHTN, BHYT với một lộ trình cùng các điều kiện tổ chức thực hiện cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội
Theo dự thảo Đề án, việc phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu chung nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân. Phát triển ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên quyền được bảo đảm (an sinh xã hội) ASXH của người dân. Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn hướng đến 12 mục tiêu cụ thể khác, gồm: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các Quỹ bảo hiểm theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; mở rộng năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số theo mô hình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương để ngành BHXH Việt Nam trở thành một tổ chức ASXH chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, sau hơn 26 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam ngày càng được cộng đồng ASXH khu vực và thế giới ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về những thành công và phát triển so với các hệ thống ASXH tại các quốc gia có GDP và trình độ phát triển tương đồng. Với độ BHXH và BHTN; hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ gia đình và hệ thống giám định thanh toán BHYT tập trung kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; giao dịch theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ do BHXH Việt nam cung cấp trên các nền tảng mới và truyền thống tương đối cao; quỹ BHXH trở thành quỹ ASXH lớn nhất, được quản lý thống nhất, an toàn và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của kinh tế đất nước; mô hình quản lý và thực hiện chính sách BHXH thống nhất toàn quốc đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng khu vực và thế giới;…
Tại các điểm cầu trực tuyến
Đặc biệt, Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 thông qua các giải pháp: đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử; chi trả kịp thời chế độ BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được thụ hưởng chính sách một cách thuận tiện và đảm bảo phòng chống dịch (chi trả gộp 2 tháng lương hưu trong cùng kỳ chi trả/chi trả tại nhà,…); điều chỉnh giảm mức đóng xuống 0% vào quỹ BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ tiền cho người lao động từ quỹ BHTN;…. góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh với phát triển kinh tế và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận với nhiều tham luận đóng góp ý kiến từ các chuyên gia quốc tế về các nội dung như: định hướng chiến lược đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam; chiến lược BHYT của BHXH Việt Nam; thách thức ASXH toàn cầu, bao phủ y tế toàn dân và hàm ý đối với BHXH Việt Nam; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xu hướng phát triển ASXH, bài học và hàm ý đối với Việt Nam; chiến lược phát triển ASXH; đầu tư quỹ ASXH; chính sách y tế và BHYT;…. Những ý kiến đóng góp này “không chỉ góp phần định hướng phát triển cho ngành BHXH Việt Nam mà còn góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội hướng đến mọi người dân và mọi người lao động trong xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, ngành BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiệu quả, phù hợp, thích ứng với quá trình phát triển của Việt Nam và thế giới. “Đồng thời, từ kinh nghiệm và thực tiễn phát triển của mình, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với các bạn bè quốc tế trong lĩnh vực ASXH về tất cả những thành công và bài học kinh nghiệm của chúng tôi trong hơn ¼ thế kỷ hình thành, phát triển và hy vọng kinh nghiệm của Việt Nam cũng sẽ là bài học tốt cho các quốc gia trên thế giới”./.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công