An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi
02:53 PM 23/10/2021
(LĐXH) - Đây là phát biểu của Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV trong ngày 22/10 tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020
Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và công nghệ thông tin
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 
Tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia BHXH là 16.176.180 người, tăng thêm 2,6% so với năm 2019; trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 15.050.944 người, giảm 1,0 % so với năm 2019; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Số người tham gia BHTN là 13.337.492 người, giảm 1,0% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,53% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu là do ngành BHXH thực hiện (99,39%); đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về BHXH, BHTN. Cụ thể, riêng thanh tra ngành BHXH Việt Nam phát hiện 11.185 người lao động thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 80 tỷ đồng; 24.086 người lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền 68 tỷ đồng; số tiền các đơn vị sử dụng lao động được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng và sau thanh tra đã nộp 1.443 tỷ đồng.
Tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN và quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp năm 2020 đều đảm bảo đúng quy định, hiệu quả. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN được bảo đảm, kịp thời, hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Năm 2020, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH ước khoảng 240.765 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực mà ngành BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính). Việc ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của các bên.
Khẩn trương sửa đổi Luật BHXH
Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật BHXH sửa đổi. Chúng ta đã có Nghị quyết 28/NQ-TW từ năm 2018 về cải cách BHXH với nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật BHXH hiện hành nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật, do đó phải khẩn trương hơn. 
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo của Chính phủ
Hiện nay, Luật BHXH quy định, người lao động có 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút BHXH một lần lại rất dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Điều này giúp người lao động dễ dàng lựa chọn theo đuổi hơn để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hạn chế tình trạng hưởng BHXH 1 lần.
“Việc rút BHXH một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng khi hưởng BHXH 1 lần, người lao động chỉ được hưởng phần của người lao động đóng là chính. Trong khi BHXH có cả phần người lao động đóng và phần của người sử dụng lao động đóng. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH một lần. Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống BHXH khoảng 5%, theo nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Riêng năm 2020 có đến gần 861.000 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 53.000 người so với năm 2019, tương ứng với 6,65%. Đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sửa sớm Luật BHXH” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích.
Thảo luận tại tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá, một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn hiện nay có số kết dư khá lớn như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư chuyển từ năm 2020 chuyển sang là 90.000 tỷ đồng. Vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính phủ đã bàn và thống nhất dành 1/3 số kết dư này để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19 với 6 mức, thấp nhất là 1.800.000, cao nhất là 3.300.000 cho khoảng 13 triệu lao động; đồng thời giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp khoảng 8.000 tỷ đồng. Theo quy định, các quỹ ngắn hạn đều phải có kết dư, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, khi kết dư nhiều thì cũng cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả của các Quỹ này cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân. Bên cạnh đó, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid -19 nên cũng cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các Quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn định hướng nhiều vấn đề quan trọng như: triển khai mô hình bác sĩ gia đình; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản; thanh, quyết toán BHYT; nghiên cứu điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với khả năng chi trả của người dân và Ngân sách Nhà nước; đầu tư, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Hà Giang
 
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về