An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát triển hòa nhập xã hội dựa vào cộng đồng: Cơ hội và thách thức
02:04 PM 13/11/2017
(LĐXH) – Sáng ngày 13/11/2017, Trường Đại học Lao động Xã hội CSII phối hợp với Quỹ gia đình và trẻ em Đài Loan (T.F.C.F), Cục Bảo trợ xã hội, tổ chức Caritas Đức, Hiệp hội Đào tạo và nhân viên công tác xã hội Liên Bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “ Phát triển hòa nhập xã hội dựa vào cộng đồng: Cơ hội và thách thức”.
PGS. TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội CSII phát biểu khai mạc

Tham dự Hội thảo có PGS. TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội CSII; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và công tác xã hội Việt Nam; ông Hà Hữu Phúc – Trưởng Cơ quan  Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội; bà Nguyễn Thị Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc Làm, Bà Roelie Wolting, chuyên gia tư vấn của Caritas CHLB Đức, đại diện Quỹ gia đình và trẻ em Đài Loan, Hiệp hội Đào tạo và nhân viên Công tác xã hội Liên Bang Nga, Đại diện Đại học Thái Lan, Philippin, Mỹ, Úc, Pakitstan, Ấn Độ,…Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố; các trường Đại học trong và ngoài nước cùng với 175 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Thủy – Giám đốc Trường Đại học Lao động và Xã hội CSII cho biết: Trong khoảng trên hai thập niên trở lại đây, xu hướng toàn cầu hóa với những bước phát triển nhảy vọt về khoa học- kỹ thuật, về công nghệ thông tin, truyền thông, đã đem lại cho các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cơ hội phát triển mạnh mẽ, bùng phát về kinh tế. Nhiều quốc gia đã giàu lên nhanh chóng, tạo ra sự thay đổi bức tranh kinh tế thế giới đầy ấn tượng.


Đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế ở một số nơi, người ta lại chứng kiến sự nảy sinh ngày càng nhiều hơn các yếu tố khiến cho cuộc sống của con người trở nên mong manh, dễ bị tổn thương hơn. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố đẫm máu, Mâu thuẫn sắc tộc vẫn tiếp diễn, Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, đã thúc đẩy những dòng người di cư bất tận tràn vào châu Âu và các quốc gia Bắc Mỹ, làm gia tăng nạn bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em, mại dâm, ma túy, HIV/AIDS. Cùng lúc, các thảm họa bởi biến đổi khí hậu toàn cầu đã cộng hưởng tạo ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với cuộc sống bình an của con người ở nhiều quốc gia trên thế giới, đã khoét sâu thêm các bất đồng, làm phân hóa thêm các giai tầng.

Những yếu tố trên đã tác động nặng nề, tiêu cực tới an sinh xã hội trên một phạm vi ngày càng rộng lớn, ở hầu hết các châu lục, quốc gia, từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ (gồm cả Hoa Kỳ) đến châu Âu. Đặc biệt, nó đe dọa nhu cầu sống yên ổn, nhu cầu được có hạnh phúc của mọi người dân, trong đó, trước hết và sau cùng, của một số đông những người thuộc nhóm yếu thế (hay còn gọi là nhóm người dễ bị tổn thương). Liên Hiệp Quốc, cũng như chính phủ của các quốc gia trên toàn thế giới đều rất quan tâm đầu tư về nhân lực, công sức, tiền của để cố gắng có thể làm giảm thiểu những bất đồng, những phân hóa, làm dịu đi những đau đớn, tổn thương, làm gần hơn những mối quan hệ giữa con người với con người ở quốc gia mình.

Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nhằm giúp các chính phủ tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những mục tiêu nêu trên chính là trách nhiệm của giới trí thức, của các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan trên toàn thế giới. Đó là: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội, phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ xã hội, giải pháp ứng dụng chuyên môn nghề Công tác xã hội và lĩnh vực Giáo dục, Y tế một cách rộng rãi, tích cực; huy động và sự dụng các nguồn lực trong xã hội,… nhằm góp phần thúc đẩy phát triển hòa nhập xã hội, tạo ra môi trường sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho mọi người dân, mọi gia đình ở mọi nơi trên trái đất, trong đó nhất là nhóm người dễ bị tổn thương.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ những người thuộc nhóm yếu thế vào loại cao trên thế giới. Từ lâu, Đảng cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hết sức quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề trên. Đặc biệt trong ¼ thế kỷ qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia soạn thảo, gia nhập nhiều Điều ước quốc tế quan trọng và sau đó đã chuyển hóa các nội dung của các Điều ước này một cách cởi mở, sâu rộng vào hệ thống pháp luật quốc nội của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và công tác xã hội VN phát biểu.

Trong bối cảnh như vậy, Hội thảo khoa học Quốc tế lần thứ ba với nội dung "Phát triển hòa nhập xã hội dựa vào cộng đồng: Cơ hội và thách thức” đã tạo ra một Diễn đàn khoa học lớn, thông tin, trao đổi, phản biện về chuyên môn, cung cấp các luận cứ khoa học nhằm đúc kết những kinh nghiệm trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, những giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, trợ giúp các đối tượng yếu thế được sống trong điều kiện thích hợp nhất, tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi quốc gia; được tôn trọng như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Những giải pháp và khuyến nghị do các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra sẽ được tích hợp thành những thông tin, tư liệu quý giá, giàu sức thuyết phục, có tính khả thi cao, cung cấp cho các chính phủ nhiều lựa chọn áp dụng, từ đó tích cực thúc đẩy phát triển hòa nhập xã hội ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

TS. Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội phát biểu

Bà Christine Wegner Schneider, Đại diện Tổ chức Caritas, Cộng hòa LB Đức chia sẻ tại hội thảo

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Công tác xã hội Việt Nam đã đánh giá cao trường Đại học Lao động và Xã hội CSII đã có sáng kiến và quy tụ được nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng như các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới tham gia Hội thảo. Bà Nguyễn Thị Hằng cũng mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia về các giải pháp cũng như mô hình phát triển hòa nhập xã hội dựa vào cộng đồng tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hằng Hằng cũng cho rằng: Việt Nam do khách quan và quá trình lịch sử nên có nhiều yếu tố khó khăn trong công tác xã hội, hiện nay Việt Nam vẫn chưa cập nhật p đầy đủ các yếu tố phát triển của xã hội nên dẫn đến tội phạm gia tăng. Ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng buôn người, bạo lực gia đình, trẻ em thiệt thòi….do vậy,  công tác xã hội rất quan trọng. Nước ta hiện nay cũng đã đột phá trên 3 lĩnh vực về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trước đây, Việt Nam chưa coi nghề công tác xã hội là một nghề, do đó từ  năm 2010,  Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp để xây dựng luật riêng  về công tác xã hội nhằm  để điều chỉnh lĩnh vực này.

Bà Roelie Wolting, Chuyên gia Quốc tế Hà Lan chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội ( Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)  cho biết, hiện nay Việt Nam còn rất nhiều vấn đề thách thức về an sinh xã hội như: Khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đáp ứng đầy đủ, toàn diện và chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống; tính chuyên nghiệp về công tác xã hội chưa cao, hạn chế cả về vấn đề đào tạo, phương pháp, cách thức; mạng lưới cung cấp dịch vụ, trước đây nhiều cơ sở, cách thức vận hành chậm đổi mới, nhiều mô hình tổ chức chăm sóc đối tượng xã hội là chủ yếu chưa trở thành mô hình đáp ứng nhu cầu toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam có số người cần  trợ giúp rất lớn, vì vậy trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Trong Hội nhập quốc tế, VN cũng đã tham gia nhiều Công ước quốc tế, xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế hiện nay.

Ông Đức cho biết, Việt Nam đang quan tâm đến 2 nhóm đối tượng yếu thế cần trợ giúp để nâng cao năng lực cả về sức khỏe, học tập, việc làm và thị trường lao động phù hợp với điều kiện địa phương cư trú. Hiện nay,  do nguồn lực hạn chế việc dựa vào cộng đồng là hết sức quan trọng. Vì vậy, Hội thảo quốc tế do Trường Đại học LĐXH CSII phối hợp tổ chức hôm nay đây là những luận chứng làm cơ sở để các nhà làm khoa học cũng như nhà hoạch địch chính sách có cơ sở để xây dựng và ban hành các định luật quan trọng trong việc phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Ông Tsung - Fan Chou, Giám sát viên Quỹ Bảo trợ Trẻ em và Gia đình Đài Loan chia sẻ tại Hội thảo

Thay mặt cho các nhà tài trợ quốc tế.  Bà  Roelie Wolting, Chuyên gia tư vấn của Caritas CHLB Đức cho biết: Tôi rất vinh dự đã được đi rất nhiều các tỉnh, thành ở Việt Nam và làm việc với nhiều đối tượng như người khuyết tật, người nhiễm HIV,… thăm và làm việc với rất nhiều dự án khác nhau. Chúng tôi đã được học và trải nghiệm nhiều vấn đề về các nhóm như trẻ em, người khuyết tật, nhóm yếu thế khác nhau ở Việt Nam giúp cho chúng tôi có một cái nhìn khách quan hơn. Chúng tôi cũng đã có cơ hội làm việc với các trường Đại học ở Việt Nam và hy vọng  sẽ đưa được các đề tài này vào đào tạo trong các trường Đại học ở Việt Nam.

TS. Antonina Dashkina, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo và Nhân viên Công tác xã hội Liên Bang Nga chia sẻ tại Hội thảo một số vấn đề liên quan đến vấn đề hòa nhập khuyết tật, nhóm người yếu thế, một số nhóm đối tượng khác và đưa ra một số giải pháp và khuyến nghị tại Hội thảo.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo cũng được nghe ông Tsung – Fan Chou, Giám sát viên Quỹ Bảo trợ trẻ em và Gia đình Đài Loan chia sẻ về những vấn đề trẻ em; TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phụ trách Khoa Công tác Xã hội, ĐH LĐXH CSII chia sẻ về công tác đào tạo chuyên ngành Giáo dục – Chăm sóc Người khuyết tật tại Việt Nam “Thực trạng, hiệu quả và khuyến nghị”; Đại diện Tổ chức Samhsa – Đại diện Đại sứ quán Mỹ Tại Việt Nam  do TS. Nadine E. Rogers, Chuyên gia tư vấn/trưởng nhóm chia sẻ tại Hội thảo; TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội nêu lên một số rào cản trong hòa nhập xã hội của người nhiễm HIV/AIDS điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, TP Hà Nội; Cơ sở pháp lý trong công tác trợ giúp người nghiện ma túy và đề xuất mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện tại một số Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã hội của TS. Đỗ Thị Vân Anh, Trường ĐH Công Đoàn; Hòa nhập xã hội dựa vào cộng đồng đối với việc làm của Người khuyết tật – Vai trò của dịch vụ công của TS. Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ – TBXH…

                                                                                             Hoàng Cảnh - Lê Việt

TAG:
Tin khác
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h