Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
10:07 AM 12/11/2024
(LĐXH)- Với sự chủ động vào cuộc và có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021 – 2025) đã đạt được nhiều kết quả, trong đó điển hình là Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiểu dự án Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc Dự án Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021 – 2025) được thiết kế với mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Đối tượng được thụ hưởng là người lao động dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, còn có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giới thiệu việc làm; các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.
Tiểu dự án xây dựng gồm nhiều nội dung, hoạt động cụ thể. Trong đó có hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm…
Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, Tiểu dự án này đã từng bước giúp người lao động dân tộc thiểu số có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong đó, mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trung bình 54,1% (vượt so với mục tiêu, kế hoạch giao là 50%).

Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người lao động dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang)

Chỉ tính riêng trong năm 2024 và nguồn vốn các năm trước được chuyển nguồn sang thực hiện Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hơn 6.202 tỷ đồng (vốn đầu tư trên 2.276 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 3.925 tỷ đồng). Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hơn 5.839 tỷ đồng (vốn đầu tư gần 2.088 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 3.750 tỷ đồng); ngân sách các địa phương đối ứng trên 362,7 tỷ đồng (vốn đầu tư 188,746 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 173,985 tỷ đồng).
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 1.325 tỷ đồng, đạt 23% (vốn đầu tư gần 1.044 tỷ đồng, đạt 50%; vốn sự nghiệp 282,155 tỷ đồng, đạt 8%); ngân sách các địa phương giải ngân đạt 83,932 tỷ đồng, đạt 23%.
Theo báo cáo tổng hợp của 44 địa phương thực hiện Chương trình, tính đến hết năm 2023, Tiểu dự án đã hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho 67 cơ sở (trong đó có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 46 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 01 cơ sở khác. Các địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 101.483 người thuộc đối tượng của Chương trình; phát triển 375 bộ chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng 93 bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề cho 1.836 lượt người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 75.140 người; tổ chức 1.005 cuộc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, kiểm tra giám sát, đánh giá…
Để triển khai hiệu quả Chương trình, trong đó có Tiểu dự án Dự án này, ngay từ đầu năm 2024, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp với các các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; trực tiếp triển khai các đoàn khảo sát nắm tình hình thực tế, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc các cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn Chương trình.
Bên cạnh đó, trong quá trình chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Chính phủ cũng đã thành lập các Đoàn công tác kết hợp kiểm tra nắm tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình phối hợp tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của địa phương về các lĩnh vực khác (trong đó có các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); giao nhiệm vụ cho Ủy ban Dân tộc là cơ quan theo dõi, nghiên cứu, điều phối hướng xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ở cấp địa phương, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngay từ tháng 01/2024, HĐND, UBND cấp tỉnh đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp. Đến nay, đã có 14 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hoà Bình, Quảng Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Trà Vinh, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết lựa chọn 26 huyện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025; có 29 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành các văn bản điều hành về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước hằng năm; có 10 tỉnh bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các Chương trình, bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Với nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và có sự đồng thuận cũng như chủ động tháo gỡ của các cấp có thẩm quyền cùng các ngành liên quan, tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình năm 2024 đã tăng gần 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân đạt trên 8.430 tỷ đồng… Trong đó, Tiểu Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp hàng chục nghìn lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở khu vực này được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án này, ở cấp địa phương cần chủ động mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Chí Tâm

TAG: Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tin khác
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc
TP.HCM: Hơn 430 học sinh, sinh viên tranh tài tại Hội diễn văn nghệ GDNN cấp Thành phố
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất