An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát triển cây Mắc ca ở Điện Biên: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
06:00 AM 12/09/2023
Phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên để thay thế các cây trồng trên nương rẫy, trên đất dốc… nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân và môi trường sinh thái cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống bà con các dân tộc trong tỉnh.
Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng và anh ninh. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính thì có tới 05 huyện nghèo; 98 xã đặc biệt khó khăn/129 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%); tỷ lệ hộ nghèo còn cao (34,9%), cá biệt có huyện tỷ lệ hộ nghèo lên tới 59%...
Nhiều năm qua, với mong muốn tìm ra một giải pháp để phát huy thế mạnh, khơi dậy được tiềm năng của tỉnh, giúp cho người dân nghèo thoát nghèo bền vững, Điện Biên đã thử nghiệm trồng các cây có giá trị như: Cao su, Cà phê, Chè và rất nhiều mô hình kinh tế nhưng chưa đem lại sự khác biệt, sức sống mới cho mảnh đất giàu tiềm năng thế mạnh của miền núi Tây Bắc.
Chính vì vậy, phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên để thay thế các cây trồng trên nương rẫy, trên đất dốc, trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng, sẽ thay đổi cuộc sống của nhân dân. Góp phần xây dựng nông thôn mới, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo sinh kế ổn định cho người dân và môi trường sinh thái cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống bà con các dân tộc trong tỉnh.
Cây Mắc ca trồng tại tỉnh Điện Biên
Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 344/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, phấn đấu tổng diện tích Mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên và Lai Châu); đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000ha đã là điều kiện hết sức thuận lợi để Điện Biên triển khai thực hiện.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có 29 tỉnh trồng Mắc ca, với tổng diện tích khoảng 20.000ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng ước đạt gần 9.000 tấn hạt tươi/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc Ca chủ yếu là trong nước và một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo đến năm 2025, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Mắc ca trên thế giới cần khoảng 220 nghìn tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi…
Việc thực hiện tốt Dự án phát triển cây Mắc ca trên địa bàn Điện Biên đã được tỉnh phê duyệt sẽ thực hiện được việc giảm nghèo trên địa bàn; đồng nghĩa với việc sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước cho các đối tượng các hộ dân nghèo (Bảo hiểm y tế, hỗ trợ chính sách về giáo dục; các chính sách về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản). Đồng thời, tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước khi nhà máy đi vào hoạt động, có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp).
Tại tỉnh Điện Biên, cây Mắc ca được nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và thành phố Điện Biên Phủ từ năm 2003. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu, Điện Biên là một trong các tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030.
Từ đó, Điện Biên xác định phát triển cây Mắc ca bền vững trên cơ sở quản lý về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và đưa cây Mắc ca thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đa dạng về hình thức và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ trồng, đến chế biến và thương mại. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất rừng, đất nương rẫy, phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế so sánh của các vùng, miền, bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và lợi ích của người dân. Đồng thời, giảm chi ngân sách cho các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Điện Biên đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến toàn tỉnh sẽ thực hiện trồng mới 120.000ha cây Mắc ca tập trung; xây dựng 01 nhà máy sơ chế, chế biến hạt Mắc ca tại huyện Tuần Giáo, công suất chế biến khoảng 20.000 tấn hạt/năm; giải quyết việc làm cho 1.500 lao động; giảm nghèo cho 8.282 hộ dân (17,5%); giảm chi ngân sách cho các hộ nghèo trên 150 tỷ đồng…
Trong đó, diện tích trồng Mắc ca tập trung tại các địa phương được thực hiện theo phương thức hợp đồng liên kết (nhà đầu tư liên kết sản xuất với người dân qua các Hợp tác xã Mắc ca) 35.000ha; phương thức nhà đầu tư tự thực hiện (vùng lõi) 85.000ha. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Điện Biên yêu cầu phải hoàn thành trồng 70.000ha; giai đoạn 2026 – 2030 là 50.000ha.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng Mắc ca của 11 doanh nghiệp (nhà đầu tư) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, quy mô thực hiện trồng 71.522,33ha với 8.282 hộ dân tham gia liên kết (chiếm 17,5% hộ nghèo); giải quyết cho 568 lao động thường xuyên và 1.152 lao động thời vụ.
Đến nay, tổng diện tích đã đo đạc, quy chủ của các dự án là 14.496ha, đạt 18% tổng diện tích phải thực hiện đo đạc; tổng kinh phí đầu tư là 15.551,76 triệu đồng (vốn góp của nhà đầu tư 2.778,32 triệu đồng, chiếm 18%; vốn huy động 12.773,44 triệu đồng, chiếm 82%). Tổng diện tích cây Mắc ca đã trồng trên địa bàn là 4.129 ha, bao gồm: 4.077ha do nhà đầu tư trồng, đạt 28% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022 và đạt 5% so với quy mô được phê duyệt của các dự án; 52 ha do 02 Hợp tác xã tại huyện Mường Ảng trồng. Diện tích đã cho thu hoạch quả khoảng 300ha (thuộc Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca) trồng tại huyện Tuần Giáo, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 100 tấn quả tươi.
Hiện tại, tỉnh Điện Biên đã thành lập được 09 Hợp tác xã Mắc ca, gồm: 02 Hợp tác xã tại huyện Tuần Giáo, 01 Hợp tác xã tại huyện Mường Nhé, 01 Hợp tác xã tại huyện Điện Biên, 01 Hợp tác xã tại huyện Điện Biên Đông, 01 Hợp tác xã tại huyện Nậm Pồ, 02 Hợp tác xã tại huyện Mường Ảng, 01 Hợp tác xã tại thành phố Điện Biên Phủ. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án.
Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu cho mỗi hộ dân tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tổng kinh phí hỗ trợ là 414,1 tỷ đồng (8.282 hộ x 50 triệu đồng/hộ = 414,1 tỷ đồng), tiến hành trồng từ năm 2022 đến năm 2030, bình quân mỗi năm ngân sách địa phương bố trí dự toán từ 50 đến 55 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện; năm 2022 đã thực hiện hỗ trợ 14 tỷ đồng cho các địa phương, tuy nhiên tiến độ giải ngân mới đạt 12%.
Qua đánh giá trong quá trình thực hiện, các dự án Mắc ca cơ bản đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhân dân đồng thuận để triển khai thực hiện. Bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư quan tâm và triển khai nghiên cứu và nhiều dự án đã được tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã thường xuyên họp để đánh giá các tiến độ của dự án, cũng như tháo gỡ khó khăn cho từng dự án và từng địa phương. Một số mô hình dự án đã hoạt động và có kết quả về sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương, mức thu nhập đạt từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày công; các hộ gia đình có thu nhập đạt 60 - 70 triệu đồng/ha…
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn chậm so với tiến độ được phê duyệt, năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 14%. Hầu hết các diện tích trong vùng quy hoạch dự án và diện tích đã trồng Mắc ca đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định. Một số nhà đầu tư đã phê duyệt dự án nhưng nội dung còn sơ sài, chưa đúng theo hướng dẫn tại Văn bản số 853/SKHĐT-KTĐN ngày 12/5/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Mắc ca năng lực điều hành, quản trị của Ban giám đốc còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của HTX, thành viên Hợp tác xã; các thành viên Hợp tác xã còn thiếu kiến thức pháp luật về Hợp tác xã…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhà đầu tư đầu tư vào Điện Biên và có chính sách hỗ trợ các dự án trồng Mắc ca. Phát triển các Hợp tác xã Mắc ca là đầu mối để liên kết với các hộ dân trồng, sản xuất; giao dịch với các chủ dự án Mắc Ca; hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước.
Cùng với đó là sử dụng có hiểu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia; bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các chính sách đặc thù của cây Mắc ca. Hướng dẫn các Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; đôn đốc các chủ đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng đã cam kết để thực hiện mua giống, phân bón vật tư, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân và tiến hành trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác quy hoạch đất sản xuất nông, lâm nghiệp trong đó có trồng cây Mắc ca; đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ dân; tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư thuê đất tạo thành vùng lõi, xây dựng nhà máy chế biến sản xuất. Đồng thời, nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo và trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao và xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện theo chuyên ngành, địa phương được giao theo dõi, quản lý để phát hiện các vấn đề tồn tại, báo cáo Trưởng ban để có giải pháp chỉ đạo kịp thời./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                            Đinh Bảo Dũng

Giám đốc Sở Tài chính Điện Biên

TAG: hướng tới
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn