Phát triển BHXH tự nguyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đăk Glei
(LĐXHH)- Tuy là địa bàn khó khăn, điều kiện kinh tế của phần đông người dân còn thấp, song Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) vẫn đề ra nhiều giải pháp quyết liệt triển khai mở rộng diện đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện tới các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân để thu hút cũng như tăng tỷ lệ số người tham gia BHXH tự nguyện.
Tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn huyện Đăk Glei có hơn 3.000 người tham gia BHXH, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 735 người, tăng 643 người so với năm 2018. Phần lớn người dân tham gia BHXH tự nguyện trong độ tuổi từ 21 - 40 tuổi và nhóm đối tượng tham gia chiếm tỷ lệ cao là nữ với 63,2%, mức tiền tham gia bình quân từ 200.000 - 300.000đồng/tháng.
"Kinh nghiệm của BHXH huyện Đăk Glei trong thời gian qua là cụ thể hóa các chủ trương, văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh trong công tác phát triển đối tượng, vận dụng vào đặc điểm tình hình thực tế tại địa phương một cách linh hoạt và hiệu quả" – ông ông Nguyễn Vỹ Lưu, chia sẻ.
Để người dân nhận thức đầy đủ quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện, một trong những yếu tố quan trọng là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, phát triển đối tượng. Do đó, BHXH huyện Đăk Glei cũng tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở; các chỉ tiêu BHXH, BHYT được cụ thể hóa thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã triển khai tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT lồng ghép trong các đợt sinh hoạt pháp luật tại các xã, thôn, làng để vừa hạn chế được chi phí, vừa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”.
Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiệu quả, BHXH huyện Đăk Glei còn chú trọng đến việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu, điểm thu. Trong đó, ưu tiên đội ngũ là cán bộ hội, đoàn thể và những người có uy tín như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, cán bộ tư pháp, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ địa bàn, điều kiện cuộc sống, nếp nghĩ của người dân nên sẽ có cách tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng.
Chị Trần Thị Tâm, nhân viên đại lý thu xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), hộc bạch: Khi tuyên truyền, nếu cứ đem các thông tin về chính sách bảo hiểm khô khan nói với người dân thì sẽ khó thu hút, không hấp dẫn mà tôi phải thuyết phục bằng những điều thực tế. Tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tôi có cách vận động, hướng dẫn họ như mỗi ngày tiết kiệm vài ngàn đồng hay khi bán nông sản xong thì trích ngay ra một ít để tham gia BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, mỗi năm để dành một ít sau này về già sẽ có lương hưu như những người làm Nhà nước, không phải chật vật lo toan cuộc sống. Tôi cứ nói đơn giản, giải thích cặn kẽ, từ từ họ hiểu ra những ưu điểm, lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện và tham gia thôi. Đến giờ, tôi đã vận động được hơn 50 đối tượng tham gia và còn nhiều người đăng ký.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song theo ông Nguyễn Vỹ Lưu, việc triển khai phát triển BHXH tự nguyện trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền vẫn là nhiệm vụ được BHXH huyện Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh. Đồng thời, đơn vị cũng chú trọng đào tạo, hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ phát triển đối tượng.
Có thể nói, chính nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên nên dù nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn gặp không ít khó khăn, nhưng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện huyện Đăk Glei vẫn đạt được những kết quả đáng kể.
Chí Tâm
TAG: