Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Phát huy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thời đại mới
02:39 PM 14/09/2018
(LĐXH) - Việc xây dựng hình ảnh trong lãnh đạo quản lý nói chung đã khó, với những người phụ nữ, công việc này đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh. Cơ hội để họ tiến tới những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp là ngoài nuôi dưỡng lòng đam mê, sự tâm huyết trong công việc, họ còn phải là người biết vượt qua mọi rào cản về định kiến giới để góp phần làm nên cuộc cách mạng bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là nguồn lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Việc thúc đẩy bình đẳng giới đòi hỏi sự nhận thức và tham gia đóng góp của tất cả các thành phần, từ các nhà hoạch định chính sách cho đến các doanh nghiệp, cá nhân người lao động, đặc biệt là sự vào cuộc của truyền thông, góp phần xây dựng nhận thức xã hội một cách chủ động, phù hợp để đẩy lùi định kiến xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tại Hội thảo chuyên đề Nữ lãnh đạo quản lý trong tình hình mới
Chia sẻ ý kiến của mình tại Hội thảo chuyên đề “Nữ lãnh đạo quản lý trong tình hình mới” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 13/9/2018, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong sự nghiệp lãnh đạo của người phụ nữ, hiệu ứng từ sức mạnh truyền lửa của họ luôn đến từ sự tỏa sáng của trí tuệ, tâm hồn, một trái tim lan tỏa sự yêu thương.Với vai trò là lãnh đạo, nhiều phụ nữ đã trải qua một quá trình không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, kỹ năng xử lý tình huống nhanh nhạy… “Một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo giỏi chính là khả năng truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên để họ có thêm động lực làm tốt công việc của mình. Chính yếu tố truyền lửa sẽ kích thích niềm hứng khởi trong công việc của mỗi người, tạo nên nguồn năng lượng dồi dào, phát huy hiệu quả lao động và tạo niềm tin tưởng tuyệt đối. Những người phụ nữ có mặt tại đây ngày hôm nay, họ đã hội tụ rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Với việc vừa đảm đương được trọng trách lớn lao ngoài xã hội, vừa gánh vác việc gia đình, con cái, cân bằng các mối quan hệ xã hội với gia đình, phụ nữ đang thực sự là biểu tượng của sự mạnh mẽ, sự hi sinh, kiên trì nhẫn nại, sự cần cù chịu thương chịu khó…”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Còn theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, ngày nay, phụ nữ vừa gánh việc nội trợ, vừa đảm nhiệm cả công việc ngoài xã hội… Theo một nghĩa nào đó thì phụ nữ “khỏe” hơn nam giới. Việc họ tham gia lĩnh vực chính trị được xem là việc hết sức bình thường, trên thực tế phụ nữ phải tham gia lao động bình đẳng ngang nhau, và vấn đề này hoàn toàn bình thường và thuộc về xu thế chung của xã hội hiện đại. Theo bà, trong vai trò lãnh đạo, phụ nữ cần hòa đồng nhưng phải có phong cách. Một người lãnh đạo không phải chỉ có công việc mà còn thể hiện bản chất con người, người lãnh đạo theo nghĩa trọn vẹn nhất là không bao giờ có sự cạnh tranh, cần xây dựng thương hiệu của riêng mình, tạo vị thế, tự tin về những giá trị mình đã tạo ra…
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
Khi nhắc đến phụ nữ, người ta hay liên tưởng đến sự tỷ mỉ, cụ thể, cẩn thận, nhưng cần đẩy lùi định kiến cho rằng: “phụ nữ cũng chỉ đến thế thôi”. Vì vậy, điều mà các nhà lãnh đạo nữ cần chứng minh ở đây là thể hiện tầm nhìn về chiến lược; cần vươn lên thoát khỏi các định kiến rập khuôn… Để có quyết định hành động đúng, cần bồi dưỡng về phương pháp và tư duy, sự logic…, luôn luôn biết đặt câu hỏi, biết cách chất vấn; Rèn luyện khả năng thẩm định, đánh giá và phán quyết; Xử lý tình huống để có thể nhận xét, đánh giá, từ đó đưa ra những đề xuất có tính chiến lược; biết tư duy quan sát, lắng nghe, kỹ năng thích nghi… để có những tổng hợp mang tính đột phá. Muốn như vậy cần có sự trải nghiệm, đồng thời, dám đề xuất, thử nghiệm các sáng kiến và dám chấp nhận rủi ro, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TBXH
Mặc dù việc phụ nữ làm lãnh đạo ngày nay không còn là điều lạ lẫm, thực tế cho thấy, hiện vẫn còn những rào cản “vô hình” khiến họ chưa thể nhận thức được đầy đủ vai trò, vị trí của mình trong việc phát huy tiềm năng, sự sáng tạo cũng như sự cống hiến để đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ với quốc tế và các nước trong khu vực, việc tìm kiếm các giải pháp để phát huy thế mạnh của phụ nữ để họ vươn lên khẳng định mình trong vai trò lãnh đạo, quản lý được coi là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, góp phần cụ thể hóa mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” mà Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra.
Hà Giang
 
 
 
 
 
 
 
 
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng