Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới
05:01 PM 04/05/2021
Trước thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) diễn biến phức tạp, gây tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm của phụ nữ, làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, hướng đến một môi trường an toàn, bình đẳng.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra 52 vụ BLGĐ được phát hiện, trong đó có 44 nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ. Các hình thức BLGĐ gồm: Bạo lực tinh thần 7 vụ; bạo lực thân thể 42 vụ; bạo lực kinh tế 3 vụ. Nguyên nhân được xác định từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về kinh tế, tình cảm, tính cách… Nạn nhân nữ bị BLGĐ thường che giấu hành vi bạo lực, cam chịu vì sợ xấu hổ với người thân, làng xóm, không muốn chia sẻ để giữ gìn thể diện, không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài…

Trước thực trạng trên, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; chỉ đạo các cấp Hội tích cực nắm tình hình, thông tin; phát giác và tố giác hành vi BLGĐ, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ… Từ năm 2020 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 43 cuộc truyền thông tuyên truyền về các chuyên đề: Phòng chống BLGĐ, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em; truyền thông mô hình “Ngôi nhà bình yên - hạnh phúc”… tại 10 huyện, thành phố, thu hút gần 11 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia. Phối hợp với Trung ương Hội và các ngành chức năng tổ chức 85 hội nghị tập huấn, truyền thông về: Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với BLGĐ; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm; công tác dân số, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật… thu hút 16.500 cán bộ, hội viên tham dự. Bên cạnh đó, các cấp Hội lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ trong các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc bảo vệ hội viên. Tại các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc, các chi Hội Phụ nữ cơ sở đã tổ chức 375 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống BLGĐ, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng gia đình hạnh phúc, an toàn thực phẩm, an toàn tài chính, phòng ngừa tín dụng đen... cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, hội viên và nam giới. Để đẩy mạnh công tác phòng chống BLGĐ, Hội LHPN tỉnh tích cực tham gia Ban chủ nhiệm dự án 4 “Đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống BLGĐ, mua bán người”; tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” và Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, trong đó tập trung vào vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục đời sống gia đình; phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới… Thông qua đó tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền, giải quyết các vụ việc BLGĐ tại địa bàn, thực hiện tốt chủ đề “An toàn cho phụ nữ, trẻ em”.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của 2.787 mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng NTM” tại 79% chi Hội Phụ nữ, trong đó có tiêu chí về “không có BLGĐ”; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, các mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, “Phòng, chống mua bán người”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”... góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức về pháp luật cho phụ nữ. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng và củng cố được 349 mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; 188 CLB “Phụ nữ với pháp luật”. Định kỳ CLB “Phụ nữ với pháp luật” duy trì sinh hoạt từ 1 đến 2 kỳ/năm, thu hút 9.500 cán bộ, hội viên và nam giới tham gia. Bên cạnh đó, các cấp Hội chủ động nghiên cứu giải quyết kịp thời đơn thư thuộc thẩm quyền, kiến nghị đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đơn thư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; kịp thời nắm bắt các vụ việc tại cơ sở có liên quan đến BLGĐ, buôn bán người để phối hợp thăm hỏi, hỗ trợ, động viên phụ nữ, trẻ em. Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã tư vấn pháp luật cho 710 lượt công dân, trong đó có 682 hội viên; tiếp nhận 42 đơn thư; chuyển các ngành chức năng giải quyết 46 đơn thư theo đúng quy định của pháp luật về các lĩnh vực: BLGĐ, buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em, quyền nuôi con, hôn nhân gia đình, đất đai… Duy trì hoạt động của 2 tổ tư vấn pháp luật tại các huyện Trực Ninh, Vụ Bản, là địa chỉ tin cậy cho những hội viên cần tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật nói chung, bị BLGĐ nói riêng.
Nhờ tích cực triển khai các hoạt động, công tác phòng, chống BLGĐ của Hội Phụ nữ các cấp đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhiều chị em đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về vật chất, tinh thần./.

Hoa Quyên

TAG:
Tin khác
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ