Thực hiện Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021- 2030, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các lĩnh vực hoạt động CTXH và nghề CTXH; đẩy mạnh các hoạt động phát triển CTXH ở các ngành, các cấp, các đơn vị theo hướng hội nhập, mở rộng, phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong từng giai đoạn. Khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH toàn diện trên các lĩnh vực đảm bảo cung cấp kịp thời cho người dân có nhu cầu.
Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025, tối thiểu 40% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020. Ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh có đủ điều kiện được trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa…
Đặc biệt, thời gian gần đây, CTXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành y tế tỉnh Yên Bái chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh triển khai thực hiện. Để thực hiện tốt các hoạt động CTXH, các đơn vị khám, chữa bệnh đã thành lập các tổ, phòng, bộ phận Công tác xã hội, chủ động cử cán bộ CTXH tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kĩ năng với nhiều nội dung qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ nhân viên CTXH làm việc.
Đơn cử, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái, các hoạt động CTXH đã được quan tâm triển khai trong nhiều năm qua nhằm tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và hơn hết là giữa người bệnh với nhân viên y tế. Hàng năm tổ công tác xã hội bệnh viện được kiện toàn và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho cán bộ y tế cũng như hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám và điều trị, thành viên tổ CTXH trực tiếp tham gia cùng tổ chăm sóc khách hàng trong hoạt động tiếp đón, hướng dẫn người bệnh tại khoa Khám bệnh, đảm bảo người bệnh được chỉ dẫn đầy đủ, được hỗ trợ thủ tục khi khám bệnh và nhập viện. Cùng với đó nhân viên CTXH thường xuyên hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh đang điều trị nội trú, kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, hoàn cảnh, thắc mắc, phản hồi của người bệnh. Các dịp lễ tết, Tổ CTXH cũng có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt tại khoa lâm sàng; Hỗ trợ kịp thời các trường hợp khẩn cấp như nạn nhân của bạo hành, bạo lực giới, bạo lực về gia đình, xã hội.
Tổ CTXH cũng có vai trò nòng cốt trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của bệnh viện, đồng thời luôn có mặt đồng hành trong mọi hoạt động hướng đến sự hài lòng của người bệnh như học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia Hội nghị khoa học ngoài tỉnh, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, truyền thông giáo dục sức khỏe… Tại những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ của bệnh viện, người bệnh và người nhà được nhân viên CTXH giải đáp các thắc mắc về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện.
Cuối tháng 11/2024, Bệnh viện Tâm thần Yên Bái đã phối hợp cùng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y t ế thế giới đã triển khai chương trình đánh giá nhanh sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý cho người dân Yên Bái sau bão Yagi tại xã Tuy Lộc. Hoạt động bao gồm khảo sát đánh giá với 60 cá nhân đại diện cho 60 hộ gia đình bị ảnh hưởng, nhằm tìm hiểu tác động tâm lý sau bão. Đồng thời, chương trình tổ chức các buổi thảo luận nhóm về những ảnh hưởng sau thiên tai và đề xuất giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần, dưới sự hướng dẫn của giám sát, của nhóm chuyên gia. Cùng với đó, nhóm chuyên gia tiến hành đào tạo về kiến thức sơ cứu tâm lý sau thảm họa cho cán bộ bệnh viện tâm thần tuyến tính, cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trung tâm y tế thành phố, đại diện các ban ngành đoàn thể và người dân xã Tuy Lộc. Đây là bước chuẩn bị quan trọng giúp cộng đồng phương pháp sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ tâm lý phù hợp với những người gặp khó khăn trong tương lai. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa thiết thực trong công việc giúp đỡ người dân vượt qua khủng hoảng sau thiên tai mà còn góp phần nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần ngay từ tuyến cơ sở. Trong hoạt động này không thể thiếu sự đồng hành, dẫn dắt của đội ngũ người làm CTXH.
Những hoạt động ý nghĩa, nhân văn, thiết thực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn, ngoài hiệu quả góp phần phục hồi sức khoẻ cho người bệnh (phục hồi chức năng tâm lý xã hội) mà còn góp phần thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Công tác xã hội với chức năng, nhiệm vụ đặc thù đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho người yếu thế trong cộng đồng ở Yên Bái./.
Đăng Doanh