Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
(LĐXH)- Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm kịp thời phát hiện những khuyết điểm, yếu kém để tìm cách khắc phục, đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, qua đó thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách và mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.
Vị thế, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng
Theo hệ thống lý luận của V.I.Lê-nin, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổ chức đảng. Việc kiểm tra đảng viên và việc chấp hành thực tế công tác là mấu chốt của toàn bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đó không phải là việc cần làm trong một vài tháng, hay một năm, mà là việc phải làm trong nhiều năm, nên cần phải tiến hành kiểm tra, tiến hành thực hiện trên thực tế từng “công việc” một.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Người nhấn mạnh: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết,… kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Về cơ bản, quan điểm, tư tưởng của V.I.Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã khẳng định công tác kiểm tra, giám sát là phương thức hoạt động quan trọng của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm cho tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, góp phần thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn nhằm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh, lập trường, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, nói và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các Phó chủ nhiệm Ủy ban
tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, là biện pháp hữu hiệu để khắc phục bệnh quan liêu. Thông qua kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới có thể đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu quả; giúp mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sức mạnh của tổ chức đảng được tạo thành bởi nhiều yếu tố, trong đó công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là nhân tố quan trọng nhất, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên đều chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng. Thực tiễn cho thấy, nếu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được nâng tầm và phát huy hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chính là hoạt động nhằm tăng lên sức mạnh cho tổ chức đảng vì khi những hoạt động này được thực hiện nghiêm thì năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cũng được đề cao, giữ vững.
Sự trong sạch, vững mạnh của mỗi tổ chức đảng gắn liền với hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên giúp phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống, những điều đảng viên không được làm, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; qua đó, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh thái độ, suy nghĩ, hành vi đúng với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, đúng với Điều lệ và các quy định của Đảng; đồng thời, là sự cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác không đi vào “vết xe đổ” của những người vi phạm, luôn đặt mình trong tổ chức, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Tình hình thế giới và khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo về tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, nhất là tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt của khoa học - công nghệ, mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu song thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như “chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên”.
Gần đây, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá, móc nối, xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tìm cách phân hóa tổ chức để tìm ra “ngọn cờ” tập hợp lực lượng. “Ngọn cờ” mà các thế lực thù địch hướng tới chính là những phần tử ở ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhưng có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất mãn chính trị. Trong khi đó, “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp”.
Do đó việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết.
Tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”.
Với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, như: Kiểm tra về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó, đã xử lý kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng, có nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng. Kiểm tra các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang về công tác cán bộ, bảo vệ môi trường gắn với đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng…
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 tổ chức đảng (tăng 59% so với nhiệm kỳ XI). Trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.201 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên, trong đó có 272.556 đồng chí là cấp ủy viên các cấp (tăng 8,42% tổ chức đảng; 4,83% đảng viên; 19% cấp ủy viên so với nhiệm kỳ Đại hội XI).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 18.476 tổ chức đảng và 107.165 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận 631 tổ chức đảng và 1.767 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 10 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra 20 tổ chức đảng. Cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 131 tổ chức đảng và 922 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận 89 tổ chúc đảng và 804 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; xem xét thi hành kỷ luật 43 tổ chức đảng, 584 đảng viên và đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 497 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 804 tổ chức đảng, 2.850 đảng viên; kết luận 613 tổ chức đảng, 2.390 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; đã thi hành kỷ luật 60 tổ chức đảng và 910 đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, không có vùng cấm và được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc đình đám, mới, khó được phát hiện và xử lý kỷ luật như: vi phạm đấu thầu trong Hợp đồng mua sắm kit test xét nghiệm COVID-19; thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản; đánh bạc công nghệ… đã tiếp tục thể hiện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của Đảng nói chung và của Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng.
Cùng với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định về công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Ủy ban Kiểm tra của Đảng đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Nhiều vụ việc sau đó đã bị các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Những kết quả trên đây đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã lựa chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, kiến nghị huỷ bỏ các nghị quyết, quyết định trái thẩm quyền, tạo sự ổn định cho địa phương, cơ quan, đơn vị./.
Thảo Lan