Báo chí trẻ em được xem như một loại báo chuyên biệt hướng tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống báo chí dành riêng cho trẻ em, thuộc tất các các loại hình, phù hợp với từng độ tuổi. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với giới truyền thông.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, theo quy định, báo chí có nghĩa vụ phổ biến thông tin cho trẻ em, những thông tin có lợi về đạo đức, văn hóa cho trẻ em và tôn trọng cơ sở văn hóa của các em. Nhà nước phải áp dụng các biện pháp khuyến khích xuất bản các tài liệu có giá trị đối với trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại. Điều 46 Luật Trẻ em quy định “Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp”.
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em cũng quy định, các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp cho trẻ em. Thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các kênh thông tin, nhất là truyền hình hầu như chưa thực hiện nghiêm túc quy định thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ độ tuổi trẻ em không được sử dụng, có chăng là chỉ xuất hiện dòng chữ “Trẻ em dưới 18 tuổi không nên xem nội dung này” rất nhanh.
Để đảm bảo, mọi trẻ em được tiếp cận với các thông tin, đồ chơi, trò chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng và cảnh báo nội dung không phù hợp dành cho trẻ em trên phát thanh, truyền hình, ấn phẩm báo chí và xuất bản phẩm… khi đăng thông tin, báo chí không được nêu chi tiết bí mật đời sống riêng tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về sức khỏe, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em...
Đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em, Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin thêm cho các cơ quan báo chí, khi thông tin về những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan báo chí cũng không được phép sử dụng trẻ em, hình ảnh trẻ em làm nhân vật, hình ảnh minh họa trong các chương trình khi chưa có sự đồng ý của trẻ em trên 7 tuổi và cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Tại Mỹ, những vụ xâm hại trẻ em đều sử dụng quy ước chung, không được tiết lộ bí mật đời tư của gia đình các em. Còn tại Việt Nam, nhiều vụ việc trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục bị nêu đầy đủ địa chỉ nhà riêng, tên tuổi bố mẹ, khai thác chi tiết, triệt để các tình tiết. Như vậy, trẻ em bị xâm hại lần một bởi kẻ ác, lại bị xâm hại lần hai bởi chính truyền thông, mà lần xâm hại sau có nguy cơ gây tổn hại tinh thần của trẻ nặng nề hơn nhiều.
Thời gian quan, nhiều vụ trẻ em bị xâm hại nhưng gia đình không tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, sợ sự dị nghị của xã hội. Do đó, tố cáo bắt buộc đối với xâm hại tình dục trẻ em là một trong những quy định đã được đưa cụ thể vào Luật Trẻ em. Đối với cơ quan báo chí, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, khi báo chí có thông tin vụ xâm hại trẻ em nên cân nhắc đưa thông tin trên truyền thông ở mức độ nào để không làm ảnh hưởng và tổn thương trẻ. Đồng thời, phóng viên phải ngay lập tức báo cáo thông tin đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý vụ việc. Việc cung cấp thông tin của cơ quan truyền thông và mọi cá thể đều được điều chỉnh bởi Luật Báo chí và Luật Trẻ em.
Chia sẻ ở góc độ người làm báo, các nhà báo khẳng định trong quá trình tác nghiệp, thông tin có thể được xử lý và nhìn nhận dưới nhiều góc độ nhưng phải đảm bảo thông tin đúng về bản chất, đủ về thời lượng và bảo đảm tính nhân văn. Thực tế, để có tác phẩm báo chí hấp dẫn, phóng viên thường cố gắng đi đến tận cùng nỗi đau, đôi khi thêm “gia vị” cho câu chuyện để lấy “nước mắt” của độc giả. Các khái niệm thể hiện qua cách dùng câu chữ của phóng viên cũng cần chuẩn chỉnh hơn về mặt nội dung cũng như cách thức thể hiện.
Với trách nhiệm, đạo đức của người làm báo, nhất là khi viết về đề tài trẻ em, một đề tài không dễ khai thác, khi xây dựng và hoàn thiện bất kỳ tác phẩm báo chí viết về đề tài này cần trả lời các câu hỏi, thông tin, hình ảnh này có được nhân vật đồng ý? Các thông tin, hình ảnh này khi đưa lên báo chí sẽ ảnh hưởng như nào đến tương lai nhân vật? Cốt lõi vấn đề là cần tôn trọng sự thật, tôn trọng số phận của nhân vật. Hơn nữa, hoạt động báo chí đề cập đến đời sống và phúc lợi của trẻ em cần được thực hiện với ý thức cao vì thực tế trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do đó, các chuyên gia khẳng định để bảo đảm nguyên tắc đưa tin, cần đáp ứng các chuẩn mực tối đa về độ chính xác và nhạy cảm về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đồng thời, tránh sử dụng các định kiến và đưa tin giật gân để quảng cáo cho nội dung báo chí liên quan đến trẻ em. Xem xét cẩn thận các hậu quả của việc xuất bản bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trẻ em và hạn chế tối đa tác hại đến các em.
Đăng Doanh