An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát huy hiệu quả mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
09:53 AM 18/10/2022
(LĐXH)- Ra đời từ yêu cầu thực tiễn tại cơ sở, thời gian qua, mô hình Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” tại các tỉnh, thành phố đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phát huy vai trò của người cao tuổi, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ của tỉnh Tuyên Quang
Báo cáo của Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 – 2020, đã có 58/63 tỉnh, thành được UBND tỉnh phê duyệt Đề án/Kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương (vượt gần 30% so với chỉ tiêu); 61/83 tỉnh, thành thành lập được 3.500 CLB với sự tham gia của 170.000 thành viên, trong đó có hơn 130.000 người cao tuổi (vượt hơn 50% so với chỉ tiêu.
Tổng kinh phí được Bộ Tài chính cấp để Trung ương Hội NCT Việt Nam triển khai các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là 3,6 tỷ đồng. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp cũng như sự vào cuộc rất tích cực của cộng đồng, đặc biệt là NCT của cả nước.
Do đó, nhiệm vụ thành lập CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội NCT các cấp, thông qua 8 nội dung hoạt động gồm: Hoạt động sinh kế tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; bảo vệ quyền và lợi ích; truyền thông nâng cao nhận thức; văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, giao lưu; vận động nguồn lực. CLB đã hỗ trợ các thành viên vay vốn giảm nghèo, nâng cao kiến thức để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng.
Kết quả thực hiện Đề án xây dựng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của hội NCT các cấp và NCT trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị tại cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội.
Đặc biệt, cách tiếp cận liên thế hệ, dựa vào cộng đồng và tự giúp nhau của CLB rất phù hợp với NCT. Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau còn là đầu mối để tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức và cộng đồng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy các nguồn lực cùng chung tay chăm sóc, phát huy vai trò NCT, góp phần thực hiện Luật Người cao tuổi và Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030.
Cũng theo Trung ương Hội NCT Việt Nam, năm 2021 là năm đầu triển khai Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 (Đề án 1336).
Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, song với sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện cùng sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, Bộ, ngành, Đề án 1336 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác chỉ đạo được các cấp hội chú trọng.
Lễ ra mắt CLB LTHTGN ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu 
Trung ương Hội kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn; biên soạn, phát hành 6.400 cuốn tài liệu và tổ chức 2 lớp tập huấn tại Tuyên Quang và Yên Bái; giám sát kết quả triển khai tại Thanh Hóa và Sơn La. Cử 01 cán bộ Trung ương Hội làm cố vấn trong Dự án của Tổ chức HAI; triển khai 03 dự án tại 12 địa phương, hỗ trợ kỹ thuật thành lập 60 mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
18 tỉnh/thành phố mở 68 lớp tập huấn cho 4.112 thành viên Ban Chủ nhiệm, tình nguyện viên. Hiện có 57/63 UBND tỉnh, thành ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Tổng số mô hình CLB đăng ký thành lập mới trong 5 năm (2021 - 2025) là 4.000 CLB (vượt 33% chỉ tiêu của Đề án).
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, thời gian tới, Hội NCT các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Đề án.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu những bài học thành công về xây dựng mô hình CLB để nhân rộng; cũng như biểu dương, khen thưởng các cơ sở làm tốt công tác triển khai Đề án; tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để nhân rộng và duy trì CLB.
Mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản của Đề án CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 CLB mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 là  Người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập giai đoạn 2016 - 2020 và các CLB mới được thành lập./.
Hồng Hà
TAG: CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo