Phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Bạc Liêu
(LĐXH)-Nhằm thực hiện mục tiêu gắn kết các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, thời gian qua, các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở tỉnh Bạc Liêu được hình thành, hoạt động hiệu quả và từng bước đem lại nhiều hiệu quả tích cực, trở thành điểm tựa vững chắc đối với người cao tuổi.
Ngày 2/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1533/QĐ -TTg, phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020. Sau khi tổng kết giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1336/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025.
Thực hiện Quyết định 1533 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (giai đoạn 2016 - 2020), được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp của các ngành, các cấp, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu đã vận động thành lập được 28 Câu lạc bộ, với 1.467 thành viên. Thông qua mô hình Câu lạc bộ với những hoạt động ý nghĩa như: giúp nhau chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập và hỗ trợ cộng đồng... đã góp phần hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, khuyến khích toàn xã hội quan tâm chăm lo để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Với phương châm “Tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động”, tuy có nhiều khó khăn, nhưng các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã tích cực vận động xây dựng nguồn quỹ hoạt động trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Câu lạc bộ tự vận động 595,6 triệu đồng, Quỹ An sinh xã hội cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ 345 triệu đồng, thu lãi cho vay xoay vòng trong Câu lạc bộ giúp thành viên hoạt động tăng thu nhập trên 91 triệu đồng...
Điển hình như CLB ấp 16 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) hiện có nguồn vốn trên 150 triệu đồng, CLB ấp Đầu Sấu Đông (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) có nguồn vốn trên 90 triệu đồng và nhiều CLB có nguồn vốn từ 30 - 60 triệu đồng. Nguồn vốn hỗ trợ được các thành viên sử dụng đúng mục đích, bước đầu có hiệu quả, đến nay có 37 hộ thành viên xóa được nghèo và cận nghèo. Đơn cử như CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở ấp Thành Thưởng B (xã An Trạch A, huyện Đông Hải) đã hỗ trợ vốn cho 11 hộ thành viên. Tùy vào nhu cầu của từng thành viên, số vốn được hỗ trợ đủ đầu tư chăn nuôi heo, bồ câu, gà, mua bán nhỏ..., giúp các thành viên cùng vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện Quyết định 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 10/5/2021 về Triển khai nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Hội Người cao tuổi các cấp đã làm nồng cốt vận động thành viên và chuẩn bị các điều kiện tham mưu giúp UBND cấp xã ban hành Quyết định thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương. Đến tháng 7/2022, toàn tỉnh đã thành lập và tổ chức Lễ ra mắt 40 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với tổng số 1.996 thành viên tham gia. Qua khảo sát, nhìn chung Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau nắm rỏ nguyên tắc, quy trình và kỷ năng tổ chức hoạt động, do được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ kịp thời. Các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động đều có sự quan tâm chỉ đạo của Cấp ủy và Chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ của các ngành có liên quan.
Khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ, các thành viên cảm nhận rất phấn khởi, mô hình đã giúp nâng cao ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn trước, một số thành viên được vay xoay vòng, có được đồng vốn để tổ chức sản xuất phát triển kinh tế theo điều kiện thực tế của gia đình, xây dựng được phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong Câu lạc bộ. Các thành viên được thăm hỏi, động viên khi ốm đau, bệnh tật. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể, giúp người cao tuổi có điều kiện được chăm sóc và phát huy tốt vai trò của mình.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ cần quan tâm một số nội dung như vấn đề huy động vốn để cho thành viên vay xoay vòng, một số nơi còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cho vay phát triển sản xuất của thành viên cũng như chưa đạt mức vốn Điều lệ quy định thấp nhất là 20.000.000 đồng/Câu lạc bộ. Thành phần gia đình khá, giàu tại địa bàn tham gia Câu lạc bộ chưa nhiều, nên việc đóng góp để tăng trưởng đồng vốn còn hạn chế, vì thế cần quan tâm vận động nguồn vốn để giải quyết cho vay được nhiều thành viên hơn. Một nội dung quan trọng nữa đó là nhu cầu được tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần kịp thời. Hội Người cao tuổi phải có kế hoạch phối hợp chặt chẻ với các cơ sở y tế, hổ trợ theo dõi sức khỏe và thăm khám tại nhà cho các đối tượng không có khả năng đến khám bệnh tại Trung tâm y tế, đây cũng chính là quyền lợi thiết thực của người cao tuổi khi tham gia mô hình Câu lạc bộ.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, nếu Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt thường xuyên, đúng Điều lệ và vận động được nhiều nguồn lực đóng góp sẽ là hai mấu chốt quan trọng để phát huy tốt mô hình. Trong quá trình hoạt động của Câu lạc bộ, Ban chủ nhiệm đóng một vai trò quan trọng, vì vậy mỗi thành viên phải nhiệt huyết, năng nổ, có uy tín và nắm rỏ điều kiện, hoàn cảnh của từng thành viên trong Câu lạc bộ, từ đó đề ra kế hoạch hoạt động hằng tháng mới thiết thực và hiệu quả. Việc tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ cần chú trọng nội dung sao cho phong phú, thiết thực, bảo đảm lồng ghép 8 mục tiêu cơ bản mà nội dung Điều lệ và Quy chế đã đề ra. Hoạt động của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau cũng yêu cầu phải có sự giám sát, kiểm tra của các cấp Hội Người cao tuổi, để kịp thời uốn nắn những hạn chế, tồn tại đồng thời phát hiện biểu dương nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả từ cơ sở.
Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có thể xem là một trong những Mô hình hoạt động đạt hiệu quả của Hội Người cao tuổi trong thời gian qua, qua hoạt động của Câu lạc bộ đã giúp cho các thành viên nhất là người cao tuổi có điều kiện được chăm sóc và phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mình, tạo cho người cao tuổi có được môi trường “sống vui, sống khỏe, sống có ích” trong cộng đồng./.
Nhật Minh