Phát huy hiệu quả mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
(LĐXH)- Công tác trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân đã và đang được các Bộ ngành, địa phương triển khai tích cực.
Theo đó đã khảo sát 150 người khuyết tật là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh có nhu cầu học nghề; khảo sát 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về năng lực dạy nghề, sử dụng lao động là người khuyết tật.
Nhằm chia sẻ khó khăn đối với những gia đình có người thân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho họ cải thiện thu nhập thông qua các hoạt động phù hợp như hỗ trợ mua cây giống, con giống, công cụ lao động từ nguồn tài trợ của Trung tâm Quốc tế (IC), sau khi tổ chức bình xét, lựa chọn đối tượng hưởng lợi dựa trên những tiêu chí quy định của dự án.
Từ đó, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho 05 nạn nhân là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ, cụ thể: Hỗ trợ 275 con giống (gà, vịt, ngan) cho 02 người ở xã Liên Hoà, Nam Hoà - Thị xã Quảng Yên và 02 người ở xã Tràng Lương, Tân Việt - Thị xã Đông Triều; Hỗ trợ công cụ lao động (tráng bánh cuốn) cho 01 người ở xã Tiền An - Thị xã Quảng Yên. Tổng kinh phí hỗ trợ là 25 triệu đồng (05 triệu/người).
Thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền cho người dân tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức trong việc phòng chống tai nạn thương tích do bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh, giúp họ cải thiện thu nhập và dần từ bỏ công việc tìm kiếm phế liệu chiến tranh.
Để hỗ trợ nạn nhân bom mìn vượt qua nỗi đau, mất mát, từng bước ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn. Trong đó các hoạt động gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Các công việc này đã và đang được các bộ ngành, địa phương triển khai tích cực.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐTB&XH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn gồm: Chỉnh hình, phục hòi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước, với 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt.
Mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật là nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.
Các tỉnh thành đang từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với các đối tượng cần trợ giúp xã hội (bao gồm nạn nhân bom mìn). Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, vay vốn sản xuất cho nạn nhân bom mìn đã hình thành tại một số địa phương, như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội.
Thống kê cho thấy, thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương./.
Hồng Minh
TAG:
nạn nhân bom mình