Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Phát huy hiệu quả Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
11:31 AM 28/09/2020
(LĐXH) - Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/6/2017. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, Dự án được coi là một trong những bước đi đột phá, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường lao động.
Nhiều kết quả tích cực
Mục tiêu của Dự án của là hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong đó khoảng 5% đạt ở các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật. Đầu tư đồng bộ cho khoảng 100 nghề trọng điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ.
Theo số liệu của Tổng cục GDNN, thực hiện Dự án trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành, nghề trọng điểm tại các trường 4.030 tỷ đồng, chiếm 60% kinh phí đã bố trí cho dự án. Đây là một nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng cho các cơ sở GDNN trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho lĩnh vực GDNN còn hạn hẹp. Nguồn kinh phí này được đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm đã được lựa chọn tại các trường. Trong đó, ưu tiên các trường có năng lực đào tạo và tuyển sinh tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao được đề xuất hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo để được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao; trường ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa phương chưa tự cân đối ngân sách...
Đến nay, cả nước có gần 300 trường đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án
Đến nay, cả nước có gần 300 trường đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm từ nguồn kinh phí nêu trên. Qua đó, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, trong đó đối với một số nghề, trên 80% thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh theo danh mục thiết bị đào tạo, đảm bảo tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu số giờ thực hành, thực tập theo quy định. Nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao đã được hình thành. Tính đến hết năm 2019, các cở sở GDNN đã thực hiện chuyển giao, tiếp nhận và đào tạo thí điểm theo 34 bộ chương trình giáo trình nghề trọng điểm cấp quốc tế từ Úc và Đức với khoảng 2.000 sinh viên trình độ cao đẳng đã được đào tạo, trải nghiệm những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới. Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của phía chuyển giao, tạo cơ hội cho người học được xuất khẩu lao động đến những thị trường yêu cầu tay nghề cao như Úc, Đức.
Thông qua các hoạt động khác của dự án đã giúp tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo (chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo; hệ thống các chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực GDNN). Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GDNN của Việt Nam cũng được chuẩn hóa kỹ năng dạy, thông qua việc đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt lý thuyết - thực hành sang đào tạo theo hình thức tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Trong 3 năm (2016-2018), 1.200 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng trong nước về nghiệp vụ sư phạm GDNN; 15.000 giáo viên được đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm; 2.850 lượt cán bộ quản lý GDNN; Đào tạo, bồi dưỡng cho 391 giáo viên tại Úc, Đức để dạy các nghề nhận chuyển giao…Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả GDNN có chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, chỉ số xếp loại chất lượng GDNN trong khu vực ASEAN của Việt Nam đã tăng 13 bậc, đạt 44/100 điểm.
Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN cũng đã được nâng lên, nhất là ở các chương trình chất lượng cao, người học vừa có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, vừa có kỹ năng ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%. Tại các kỳ thi tay nghề của thế giới, Việt Nam đã dành những thứ hạng cao, đặc biệt lần đầu tiên  đoàn Việt Nam đã giành 1 Huy chương Bạc và được trao 8 Chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019.
Ngoài ra, việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn… Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Theo kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm (kết quả khảo sát tại 2.735 doanh nghiệp, ở 34 tỉnh/thành phố), doanh nghiệp đang sử dụng 130.120 lao động qua đào tạo các nghề trọng điểm (chiếm 36,6% trong tổng số lao động); nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2021 tăng lên 196.646 người (tăng 51%). Qua đó, có thể thấy nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực qua đào tạo của các ngành/nghề trọng điểm hiện nay là rất lớn. Nhiều trường đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng trong đào tạo các ngành/nghề trọng điểm đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất mong muốn tiếp nhận những học sinh, sinh viên ra trường có thể làm việc được luôn (đáp ứng cả về số lượng và chất lượng) để giảm chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp.
Giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới, trong thời gian tới, cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển GDNN, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN, sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong phát triển GDNN. Phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Đồng thời thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng theo hướng: Tầng cơ sở GDNN chất lượng cao được Nhà nước đầu tư trọng điểm; Tầng  cơ sở GDNN  tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; Tầng cơ sở GDNN đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần  tiếp tục tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp
Đặc biệt, cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp; tiếp tục  hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Tạo điều kiện phát triển tinh thần khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN..
Đức Tùng
TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ