Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017
(LĐXH) - Sáng ngày 27/5/2017, tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Long Biên (thành phố Hà Nội), Bộ Lao động – TBXH đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với Chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Tham dự buổi Lễ có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH, Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa- Chủ tịch Hội Bảo trợ Quyền trẻ em Việt Nam; bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH. Về phía thành phố Hà Nội, có ông Ngô Văn Quý- Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Khuất Văn Thành- Giám đốc Sở Lao động – TBXH; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố, quận Long Biên, các Sở Lao động –TBXH các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ cùng 350 thanh, thiếu nhi đại diện cho trên 26 triệu trẻ em trên cả nước.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 được tổ chức với Chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.
Đất nước ta đang có nhiều đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần gìn giữ hòa bình, hữu nghị trong khu vực và trên thế giới. Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội luôn ưu tiên dành cho trẻ em được hưởng những thành quả của phát triển và hội nhập. Trong những năm qua, nhiều chính sách và chương trình về trẻ em được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, xã hội đối với việc thực hiện quyền của trẻ em ngày càng tốt hơn. Tháng hành động vì trẻ em năm nay được tổ chức trong bối cảnh Luật Trẻ em vừa được Quốc hội ban hành để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Bộ Lao động – TBXH và các tỉnh, thành phố tập trung triển khai một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức hội thảo định hướng truyền thông về Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn về các giải pháp tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tập huấn về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường và trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị bạo lực, xâm hại…
Những thông điệp, khẩu hiệu truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 được đưa ra là: (1) Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 - Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. (2) Thực hiện Luật Trẻ em để bảo vệ con em của chúng ta. (3) Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng môi trường an toàn để trẻ em không bị bạo lực, xâm hại. (4) Roi vọt không làm trẻ em nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng. (5) Hãy gọi 18001567 để lên tiếng tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. (6) Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. (7) Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động –TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Trẻ em là tương lai của dân tộc, đất nước thịnh hay suy phần lớn phụ thuộc vào sự phấn đấu, rèn luyện của các em. Đảng và Nhà nước ta luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Năm nay, chúng ta phát động Tháng hành động vì trẻ em trong bối cảnh có rất nhiều sự kiện quan trọng, các nước Châu Á thống nhất chương trình hành động nhằm phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời là thời điểm 1/6/2017 Luật Trẻ em Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, chúng ta triển khai Tháng hành động vì trẻ em trong bối cảnh Chính phủ vừa thông qua Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Trẻ em. Đặc biệt, ngày 16/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và thực thi các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tháng hành động vì trẻ em năm nay là cơ hội để cả nước nhìn lại những kết quả công tác chăm sóc trẻ em trong thời gian qua, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về trẻ em và trách nhiệm đối với trẻ em. Đồng thời đây cũng là dịp để mỗi người, mỗi gia đình, tổ chức xã hội có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực vì trẻ em.
Tại Lễ phát động này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tất cả các tầng lớp, nhất là các bậc cha mẹ hãy nói không với bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh giải quyết xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Bộ trưởng cũng kêu gọi các cấp, các ngành, tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp chính quyền trong việc tăng cường các biện pháp chăm lo giáo dục cho trẻ, để mỗi trẻ em có những ngày sống vui tươi hơn, các em trưởng thành trong một môi trường tốt hơn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chính thức tuyên bố khai mạc Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam năm 2017.
Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, trong những năm qua,Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ, tích cực và xây dựng được những chính sách, chương trình để thực hiện Công ước của LHQ về quyền trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có trẻ em từ sức khỏe, giáo dục, văn hóa, con người. Song tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay đang là vấn nạn trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em đang có nguy cơ tăng cao, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bỏ học, lao động, tại nạn thương tích còn xảy ra nhiều, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo.
Phó Chủ tịch nước hoan nghênh Bộ Lao động- TBXH đã đề ra chủ đề tháng hành động vì trẻ em năm nay. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương tích cực triển khai và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đối với Bộ Lao động – TBXH cùng các bộ, ngành cần quán triệt và triển khai mạnh mẽ các biện pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang rất bức xúc hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện Luật Trẻ em và các chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục ý thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc phụ huynh, thành viên gia đình, các cháu và những người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Phó Chủ tịch nước cũng gửi lời chúc mừng tới các cháu đã có thành tích học tập tốt qua một năm học tập trung, chăm chỉ và mong các cháu tiếp tục phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi trong gia đình và lễ phép vâng lời ông bà, cha mẹ, có kiến thức tự bảo vệ mình, đoàn kết thương yêu bạn bè, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn để hoàn thiện những phẩm chất cao quý của người học sinh trong môi trường giáo dục phổ thông, đó là “Yêu nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm”.
Phát biểu hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có gần 1,8 triệu trẻ em, trong đó có 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, và hơn 50.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, thành phố đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện các chính sách đối với trẻ em nói chung và trẻ em có HCĐB nói riêng. Năm 2016, thành phố có 99,2% trẻ em có HCĐB được chăm sóc, giúp đỡ bằng nhiều hình thức, 540/584 xã, phường, thị trấn được công nhận xã phường phù hợp với trẻ em; 96,3% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm nay, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là các hoạt động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và ưu tiên cho những nhóm trẻ có HCĐB, có nguy cơ rơi vào HCĐB và những địa bàn khó khăn.
Cũng tại buổi Lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, quận Long Biên đã trao tặng những phần quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội./.
Hồng Phượng
TAG: