An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,0 - 1,5%/năm trong giai đoạn 2021- 2025
11:53 AM 13/06/2022
(LĐXH) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Thông qua Chương trình, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 74 huyện nghèo
Chương trình gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án, trong đó Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, bao gồm các hoạt động: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đối với 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.
 Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (Bao gồm 02 tiểu dự án): Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Ngoài ra, Chương trình còn tập trung hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Bao gồm 03 Tiểu dự án): Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn về quy mô và chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững: Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động cho người lao động.
 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng sẽ tập trung hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 74 huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Giảm nghèo về thông tin hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin; Truyền thông về giảm nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Song song với đó, Chương trình MTQG giảm nghèo cũng tập trung nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình như: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững; Thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình; đảm bảo Chương trình được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật.
Theo Bộ Lao động – TBXH, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng); Vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.700 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 10.990 tỷ đồng); Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả. Ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng; lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đê thực hiện Chương trình, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình theo quy định; Tổng hợp, đề xuất kế hoạch và dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định; Chủ trì xây dựng phương án giao chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Chương trình cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định.
Đối với các Bộ, cơ quan trung ương tham gia thực hiện Chương trình, có nhiệm vụ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình kịp thời, đúng tiến độ; Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư công; Sử dụng nguồn lực hiệu quả, thực hiện đầy đủ, toàn diện, đúng đối tượng, đúng mục tiêu của Chương trình; Chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc triển khai Chương trình trên địa bàn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại địa phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình./.
 
Hồng Phượng 

 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương