Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
“Online chuẩn, mùa hè vui” – sự đồng hành không thể hời hợt
09:31 AM 07/06/2021
LĐXH - Ngày 06/06/2021 tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) thực hiện tọa đàm trực tuyến “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em - Bảo vệ trẻ trong thiên tai, dịch bệnh”. Tọa đàm do bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD điều phối. Các diễn giả tham gia có bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em; ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, Chuyên gia Giáo dục kĩ năng số; anh Lê Xuân Đức, chủ Facebook Bố con Sâu.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, trẻ em đã và đang trải qua một mùa hè đặc biệt: không du lịch, không vui chơi ngoài trời, không gặp gỡ bạn bè,… mà chỉ có thể ở trong nhà. Khi ở nhà nhiều và thiếu sự tương tác trực tiếp, trẻ em có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn so với thời gian trong năm học. Bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng Internet quá nhiều cũng ảnh hướng xấu tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ em. Trẻ em chưa có cái nhìn cũng như kiến thức đầy đủ về Internet, sẽ rất khó để các em có thể tự nhận biết những rủi ro, nguy hiểm để tự phòng tránh, do đó có nhiều nguy cơ mất an toàn trên internet.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

Vào ngày 01/06 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Chương trình có một số điểm đặc biệt: đầu tiên đó là chương trình liên ngành, đa ngành với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới trẻ em từ chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường…, có thể nói đây là nỗ lực chung tay của cả hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Thứ hai, chương trình chú trọng lấy trẻ em làm trung tâm, chúng tôi mong muốn có thể cung cấp cho trẻ em bộ kỹ năng số - một bộ miễn dịch số giúp trẻ em có thể tương tác lành mạnh và được bảo vệ trên môi trường mạng. Về vấn đề nhiều nội dung độc hại đang tràn lan trên Internet hiện nay, ông Tiến chia sẻ: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức và đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Điều trên hết tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ.”

Tọa đàm có sự tham gia (trực tuyến) của ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga cho biết, nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một trong những chương trình mà Cục Trẻ em quan tâm. Trong thực tiễn, gần đây Cục trẻ em đã nhận được khá nhiều các thắc mắc, đặc biệt trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý. “Với việc Chương trình quốc gia được phê duyệt, chắc chắn sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt của một Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn, không chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cả các tổ chức xã hội, trung tâm công tác xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình và nhà trường. Rất nhiều kênh, tổ chức và cá nhân khác nhau, dù chưa có tên trong mạng lưới, nếu có những kiến nghị hay bắt gặp những nội dung không phù hợp, thì đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để góp phần nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng - Để thực hiện được cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là gia đình”, theo bà Nga.

Cha mẹ cần đồng hành để cung cấp cho trẻ "hệ miễn dịch số" trên môi trường mạng 
(Ảnh minh họa)

Trong toạ đàm, các diễn giả đã chia sẻ những hoạt động, nỗ lực của các bên liên quan để xây dựng môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em, đồng thời, các diễn giả đã trả lời nhanh các câu hỏi của khán giả xem Livestream về các phương pháp, cách thức đồng hành với con trên môi trường mạng.

Anh Lê Xuân Đức chia sẻ bản thân anh không cấm con xem Internet, xem Youtube, tuy nhiên sẽ đồng hành cùng con bằng cách cho con xem trong 1 khoảng thời gian nhất định và cân nhắc về những kênh con sẽ được xem. Thực ra hiện nay các nền tảng, thiết bị công nghệ đều cho phép người dùng cài đặt, thiết lập các tính năng để quản lý hoạt động sử dụng Internet của các con. Ngoài ra, bố mẹ nên trò chuyện với con về Internet nhiều hơn, chỉ cho con biết những rủi ro con có thể sẽ gặp phải trên mạng Internet, con nên làm gì khi rơi vào tình huống đó, để nếu không may con gặp phải thì sẽ không bị lúng túng, hoang mang. Bình luận về việc thành lập mạng lưới, anh Lê Xuân Đức, cho rằng anh thực sự ấn tượng vì cách tiếp cận là tôn trọng quyền của trẻ và có các chương trình hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng con cái. Đồng thời, cũng là người sáng tạo nội dung, tôi thấy mình và những người sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm trong việc trau dồi kiến thức, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia xây dựng các chương trình có tính giáo dục, thẩm mỹ tích cực, hướng thiện cho thế hệ trẻ, con em mình được thụ hưởng.

Đồng tình với phương pháp của bố Sâu và có lời khuyên với các khán giả, chuyên gia Nguyễn Phương Linh cho rằng việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số. Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con. Trong trường hợp bắt gặp con xem các chương trình không phù hợp, bà Linh khuyên các phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ, điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này… Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra các giải pháp phù hợp, chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài. Tuy nhiên nếu vấn đề đã nghiêm trọng cần các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng. “Nếu ta muốn loại bỏ những chương trình không phù hợp, thay vì ồ ạt chỉ trích, sẽ dẫn đến việc các phần mềm AI - trí tuệ nhân tạo của các nền tảng nhầm là chúng ta quan tâm chủ đề này và sẽ hiển thị nhiều hơn, thì chúng ta nên nói nhiều đến những thứ tốt đẹp, tích cực trên môi trường mạng, giúp nội dung này được ưa chuộng - đó là cách “thanh lọc” tự nhiên của người dùng”, lời khuyên từ bà Nguyễn Phương Linh.

Phó Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Thị Nga đã có nhiều chia sẻ với các bậc phụ huynh về một số kỹ năng để có thể bảo vệ con trên môi trường mạng 

Đối với các bậc phụ huynh, nhiều ý kiến cho rằng không biết học kỹ năng cho cha mẹ thời đại công nghệ số ở đâu, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga gợi ý, Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em hay các page của MSD, Lan toả yêu thương. Ngoài ra, nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gia 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình.

Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ rất nhiều các công cụ và phương pháp cha mẹ có thể cùng đồng hành với con trong kỳ nghỉ hè hữu ích như: nói chuyện hỏi han con hàng ngày, cho con thực hiện thử thách tự sử dụng công nghệ tìm hiểu và lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, đặt ra các tình huống chơi trò sắm vai hoặc xử lý tình huống có thể gặp phải trên môi trường mạng, lập 1 hợp đồng an toàn mạng cho cả gia đình… Tất cả diễn giả đều thống nhất, cả trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.

Khép lại toạ đàm, Bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD đã chia sẻ thông điệp: Trẻ em chính là những công dân số làm chủ công nghệ. Để có 1 mùa hè an toàn, lành mạnh “Online chuẩn, mùa hè vui", các gia đình hãy áp dụng công thức SNET bao gồm: SAFE (an toàn): Sử dụng mạng xã hội an toàn – SMART (thông minh): Sử dụng mạng xã hội thông minh – SUPERB (tuyệt vời): Cùng xây dựng mạng xã hội tuyệt vời để bất cứ ai cũng có thể ghi nhớ và chung tay kiến tạo mạng Internet an toàn, lành mạnh.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công