"Ông lớn" nhập cuộc, nhà giá rẻ sẽ bước vào cuộc chiến mới
Việc ông lớn Vingroup tuyến bố tham gia phân khúc nhà giá rẻ với thương hiệu Happy Town được đánh giá sẽ làm thay đổi mạnh phân khúc ít được doanh nghiệp bất động sản quan tâm này.
Khi đại gia địa ốc thay đổi tư duy
Chưa có chi tiết về các kế hoạch của Vingroup với các dự án mang thương hiệu Happy Town, nhưng theo thông tin công bố ban đầu, Happy Town sẽ được triển khai tại 3 tỉnh gồm Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là những địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung đông đảo lao động nhập cư. Mỗi căn hộ Happy Town có diện tích tối thiểu từ 30 m2 trở lên và có giá thấp nhất là 200 triệu đồng/căn.
Với sự ra đời của thương hiệu Happy Town, Vingroup đã trở thành nhà phát triển bất động sản ở cả 3 phân khúc chính: Vinhomes - cao cấp, VinCity - nhà ở trung cấp, Happy Town - nhà ở bình dân.
Theo Vingroup, hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, thị trường mới đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu, đa số người lao động phải thuê trọ. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ đặt trọng tâm trong Chiến lược phát triển Nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết: “Với thương hiệu Happy Town, Vingroup không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà mong muốn chung tay cùng xã hội giải quyết vấn đề nhà ở bức thiết cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp”.
Được đồn đoán từ lâu, việc Vingroup tuyên bố đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ được các chuyên gia đánh giá tích cực, bởi đây là sự nhập cuộc tiếp theo sau một số đại gia khác là Vihajico, Geleximco, Mường Thanh, Him Lam…
Theo các chuyên gia, hiện nguồn cung nhà giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng/căn) rất khan hiếm, trong khi đó, phân khúc này lại có nguồn cầu lớn nhất, chiếm tới 60 - 70% tổng nhu cầu thị trường.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sau giai đoạn phát triển rầm rộ 2013 - 2016, hầu hết các dự án nhà ở giá rẻ đã được hấp thụ hết và không còn dự án mới được triển khai. Lý do là vì sự hồi phục của thị trường, đã kéo các chủ đầu tư tập trung vào phân khúc trung cấp và cao cấp.
Trước đó, tại hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại Hà Nội cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhấn mạnh, thị trường nhà ở tiềm ẩn rủi ro nếu các nhà phát triển bất động sản tranh đua đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp. Tín dụng vào bất động sản dồn phần lớn vào căn hộ cao cấp, trong khi nhu cầu thực của người dân lại không phải là những dạng căn hộ rộng hơn 100 m2.
Do đó, theo các chuyên gia, khi các ông lớn như Vingroup lấn sân sang phát triển dự án nhà giá rẻ, phân khúc này được dự báo sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Phận "con ghẻ" liệu sẽ hết?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đáng lẽ phải phát triển thiên về phân khúc nhà ở giá rẻ từ lâu. Trong khi thực tế thị trường hiện nay cho thấy, tổng nguồn cung nhà ở và các dự án có khác biệt lớn với nhu cầu thực khi hầu hết dự án đều tập trung chủ yếu vào phân khúc có giá từ 2 - 4 tỷ đồng/căn. Số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, nguồn cung phân khúc chung cư hiện nay trên thị trường chủ yếu là phân khúc căn hộ hạng B (có giá từ 25 - 40 triệu đồng/m2).
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, doanh nghiệp hiện nay khi triển khai dự án đều có tính toán, nên việc họ hướng vào thị trường nhà ở giá rẻ là hướng đúng với nhu cầu thực. Việc doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, không quá tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp, thì hiện tượng bong bóng bất động sản sẽ khó xảy ra.
Đồng quan điểm, chuyên gia CBRE Việt Nam nhận định, trong vòng 8 - 9 năm tới, tức năm 2027, Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng nhà giá rẻ, trong khi đó, nhu cầu của phân khúc này cực lớn. Do đó, việc các doanh nghiệp lớn vào cuộc phát triển nhà ở giá rẻ (trên dưới 1 tỷ đồng/căn) là một tín hiệu tích cực và có thể kéo theo nhiều doanh nghiệp khác nhập cuộc.
“Với việc có nhiều doanh nghiệp chạy đua gia nhập thị trường nhà giá rẻ là điều dễ hiểu, vì các chủ đầu tư luôn nhìn lẫn nhau để phát triển sản phẩm, nhưng không vì thế mà lo ngại bội thực nguồn cung”, vị này nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều cần thiết hiện nay là làm sao để người dân tin tưởng chất lượng nhà ở giá rẻ, bởi thời gian qua, thị trường cũng có nhiều dự án giá rẻ, nhưng chất lượng kém, gây giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, tại dự án nhà ở thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông) do CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai làm chủ đầu tư. Sau gần 6 năm đưa vào khai thác, khu chung cư này vẫn như là một “ốc đảo”, với nhiều cái “không”, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu hạ tầng đô thị.
Hay tại Dự án Thăng Long Victory, thuộc Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Phúc Hà làm chủ đầu tư. Dù mới đưa vào sử dụng, nhưng chất lượng công trình xuống cấp, trong khi các tiện ích thiết yếu như trường học, y tế, chợ, hoạt động vui chơi…, cư dân vẫn phải sử dụng nhờ khu dân cư lân cận. Thậm chí, dự án này còn mắc nhiều vi phạm và đã từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt với số tiền phạt và khắc phục vi phạm lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, tại các dự án nhà giá rẻ của Tập đoàn Mường Thanh cũng liên tục bị phản ánh có nhiều sai phạm. Ngoài chất lượng công trình, mật đô xây dựng tại các dự án này cũng rất dày đặc, thang máy bị quá tải, hệ thống phòng chống cháy nổ sơ sài. Hay tại Dự án CT1-Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Bất động sản AZ làm chủ đầu tư chưa hoàn thiện đã ép khách nhận nhà…
Vì vậy, theo các chuyên gia, thời gian tới, nếu nguồn cung đa dạng, tạo ra sự cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường. Khi đó, người được hưởng lợi là người mua nhà, vì có nhiều sự lựa chọn, không phải “bấm bụng” mua các dự án kém chất lượng.
Theo Báo Đầu tư
TAG: