Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
“Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” là động lực, nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế và phát triển xã hội. Định hướng phát triển toàn diện nền giáo dục của Đảng và Nhà nước thêm một minh chứng rõ nét qua chương trình tín dụng đối với HSSV mang đầy tính nhân văn được triển khai hơn 20 năm nay từ tháng 3/1998, đặc biệt là 15 năm trở lại đây với sự vào cuộc của NHCSXH cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị xã hội.
Trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn ưu đãi để chi phí học tập đã góp phần thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Hai nét chấm phá …
Niềm tự hào nhất của Sầm Văn Vạy, thôn Nhuần 4, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đó chính là 3 đứa con ông đều đi học đại học và 2 con đầu đã có công ăn việc làm ổn định. Là người dân tộc Tày, ở thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III của huyện, cuộc sống gia đình ông Vạy những năm 2000 luẩn quẩn trong cái nghèo, việc nuôi con ăn học càng thêm khó khăn. Song ngay từ khi đó ông cùng vợ đã nuôi quyết tâm phải cho con cái ăn học bằng chúng, bằng bạn. Các con ông theo học phổ thông kết quả đều đạt tốt, cũng mang theo mối lo lớn dần trong lòng vợ chồng ông khi chưa biết lấy tiền đâu để cho các con đi học chuyên nghiệp. Thế rồi,ông được biết NHCSXH huyện Bảo Thắng đang thực hiện cho vay vốn đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, “gánh nặng” tài chính được trút bỏ giúp ông thêm ý chí cho con ăn học. Năm 2011, ông làm hồ sơ vay vốn cho 2 con đầu đi học Đại học, với số tiền 63 triệu đồng; Năm 2014 đứa con thứ 3 của ông cũng đã bước vào cánh cổng Đại học Y với sự hỗ trợ chi phí học tập từ nguồn vốn NHCSXH.
“Nhu cầu của gia đình tôi vay vốn cho ba đứa con theo học Đại học, với số tiền 85.750 triệu đồng và đã được NHCSXH huyện Bảo Thắng giải ngân cho vay đủ” ông cho biết. Đến nay con ông đã trường một người làm tại nhà máy phốt pho 5, Khu công nghiệp Tằng Lỏong (Lào Cai). Một người làm giáo viên trường tiểu học thị trấn Sa Pa. Ông cũng đã trả nợ được 17 triệu đồng. Dù món nợ còn lại không nhỏ 68.750 triệu đồng, xong với ông cũng không phải là gánh nặng khi gia đình đã có kế hoạch trả nợ.
Khát vọng nuôi con lên người ấy cũng đã trở thành hiện thực với bà Lê Thị Nguyệt, thôn 8 - xã Đông - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Kbang hỗ trợ, tôi cúng chỉ gắng gượng cho một đứa con học đại học”, bà tâm sự khi khoe về 4/6 đứa con của mình đã tốt nghiệp đại học và có việc làm.
Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), bà đã theo anh chị di cư vào huyện Kbang (Gia Lai) xây dựng kinh tế mới và kết hôn với ông ông Đinh Văn Ploih, người dân tộc Ba na. Chỉ có căn nhà nát và 5 sào đất rẫy, với 6 người con, dù chật vật vất vả nhưng chồng bà luôn nhắc nhở phải cùng nhau cố gắng làm việc để nuôi con ăn học. “Hồi trước chồng tôi vì không được học cái chữ nên mang tiếng dốt và chẳng làm được việc gì và nghèo đói mãi. Nên bây giờ dù khó khăn đến mấy thì cũng phải cho con đi học, cho dù phải bán cả nương rẫy lẫn nhà cửa thì ông ấy cũng không để con phải nghỉ học”,bà kể.
Thế nhưng dù đã rất cố gắng, hai con gái đầu cũng phải gác lại ước mơ học tiếp để ở nhà phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Cuộc sống đỡ bần hàn khi năm 2003 bà được vay 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH về trồng cà phê. Thêm một chu kỳ vay nữa mua thêm đất sản xuất, mở rộng canh tác để gia đình cũng cất được căn nhà cấp 4, tuy không được khang trang nhưng cũng tạm để làm nơi ăn chốn ở cho 8 con người.Năm 2005, niếp vui ập đến khi con trai thứ ba thi đậu vào trường Đại học Tây Nguyên và con gái thứ tư thi đậu vào trường Đại học Nông lâm Huế. Nhưng đó cũng là lúc sức khỏe của chồng bà bị suy yếu sau một thời gian bị tai biến, chi phí cuộc sống của cả gia đình cũng như tiền học phí của 2 con chỉ trông vào thu nhập làm nông nhờ vào sức lao động của mình bà. Năm 2006 đứa con thứ 5 thi đỗ vào trường đại học y dược Huế, cuộc sống đã khó nay còn khó hơn. “Có lúc tôi đã nghĩ có lẽ các con tôi không thể tiếp tục con đường học vấn được nữa nhưng như thế là lỗi với các con, tôi ước gì có được phép màu. Và phép màu đã đến khi Quyết định 157 về tín dụng học sinh - sinh viên ra đời năm 2007. Thế là tôi làm đơn vay vốn để chi phí học tập cho 3 con, nhờ vậy các con tôi tiếp tục học tập như bao người khác” bà kể. Năm 2010 con gái thứ 6 của bà cũng đã tiếp bước anh chị vào Đại học kinh tế Đà Nẵng cùng với nguồn tin dụng học sinh sinh viên. 3 đứa con của bà đã tốt nghiệp và trở về xây dựng quê hương, viết tiếp những giấc mơ đổi đời cho người dân nơi đây. Anh Đinh Viết Bảo giờ giáo viên trường phổ thông trung học huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Chị Đinh Thị Thanh Bình là cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Kbang. Còn anh Đinh Quang Đạt hiện đang là Trạm trưởng trạm y tế xã Sơ Pai huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Con gái út của bà cũng đã trở thành nhân viên kế toán theo hai chị lớn vào công tác và sinh sống tại Bình Dương.
“Gia đình tôi nay đã thoát nghèo, câu nói của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm trồng người” đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Tôi luôn nhắc nhở các con phải phấn đấu để trở thành người công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn để xứng đáng với những gì mà Đảng và Chính phủ đã quan tâm ưu ái cho mình” bà nói trong ngẹn ngào.
Và một bức tranh …
Nếu tính về thời gian, Chương trình tín dụng đối với HSSV đã được triển khai hơn 20 năm từ tháng 3 năm 1998 với tiền thân là Quỹ tín dụng đào tạo của Chính phủ cho vay lãi suất ưu đãi đối với HSSV đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phải có học lực khá trở lên, với Ngân hàng Công thương Việt Nam là đơn tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến năm 2003, khi Quỹ được chuyển giao sang NHCSXH mới chỉ giải ngân được 76 tỷ đồng, với 38 nghìn học sinh vay vốn, trong đó nợ quá hạn là 9,9 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ.
Chính vì vậy, cùng với việc triển khai cho vay chương trình này một trong những nút thắt mà NHCSXH phải tháo gỡ lúc bấy giờ đó chính là xử lý nợ quá hạn. Nguồn vốn và đối tượng cho vay hạn hẹp khiến chương trình khó lan tỏa trong đời sống đã được tháo gỡ với việc Chính phủ thay đổi về chính sách, điều kiện vay vốn năm 2016, tập trung và HSSV có hoàn cảnh khó khăn gồm HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo đang học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên. Mức cho vay là 300 nghìn đồng/học sinh/tháng. Phương thức cho vay được chuyển từ cho vay trực tiếp với HSSV sang cho vay hộ gia đình được xem giải pháp đột phá nâng cao tinh thần trách nhiệm của người vay và người sử dụng vốn vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời cùng gánh vác trách nhiệm trong việc trả nợ vốn vay khi đến hạn. Đến tháng 9/2007, NHCSXH đã cho vay trên 100 nghìn HSSV, với tổng dư nợ đạt 298 tỷ đồng.
Tháng 9/2007 đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV, theo hướng tạo điều kiện và mở rộng nhiều hơn cho các đối tượng là HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm. Lãi suất cho vay, mức cho vay của Chương trình được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ. Năm 2009, chương trình được mở rộng đến đối tượng là Bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn để học nghề. Tiếp đó là người lao động bị thu hồi đất, đối tượng HSSV tham gia đào tạo nghề đối với người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề cũng được tiếp tục vay vốn tín dụng. Mới đây nhất ngày 06/01/2017 mở rộng thêm hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp đối với người dân thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Đồi tượng mỗi ngày một rộng và thiết thực với nhu cầu người dân, cùng với những nỗ lực của các cán bộ NHCSXH và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị đã đưa tổng doanh số cho vay đến ngày 30/9/2017 lên con số 59.317 tỷ đồng với hơn 3,5 triệu lượt đối tượng thụ hưởng. Đến ngày 30/9/2017, hệ thống vần còn ghi dự nợ 15.690 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,91 %/tổng dư nợ với hơn 108 ngàn hộ (chiếm 16,58% tổng số hộ); Gần 256 nghìn hộ (chiếm 39,3% đối tượng hộ gia đình) có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo;301 nghìn hộ (chiếm 46.2%) vay vốn HSSV là đối tượng gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh ….
Tỷ lệ hộ nghèo vay vốn tín dụng HSSV biến động giảm qua các năm, trong khi đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo và đối tượng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính chiếm tỷ lệ lớn và có mức tăng ổn định qua các năm càng chứng minh hiệu ứng của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.
Theo báo cáo của theo báo cáo của các trường đào tạo nhờ có kênh tín dụng này, đã không còn tình trạng HSSV trúng tuyển mà không nhập học và tình trạng sinh viên phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế. Chương trình còn giúp cho các nhà trường ổn định về số lượng, nguồn thu, đảm bảo phát triển chất lượng giảng dạy của nhà trường.
Trong bối cảnh hội nhập, kinh tế quốc tế cũng như những bước chuyển mạnh của nền kinh tế dẫn tới thu nhập người dân ngày một nâng cao, nhu cầu cho con em học tập để hòa đồng cùng sự phát triển của đất nước ngày càng lớn, Chương trình tín dụng đối với HSSV ngày càng có thêm nhiều mục tiêu và kỳ vọng mới. Theo đó NHCSXH mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành bố trí đủ nguồn vốn, tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để tạo nguồn vốn ổn định thực hiện Chương trình. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình có từ 02 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc cho vay những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống tại vùng khó khăn hiện nay chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường trong từng thời kỳ, NHCSXH cũng mong muốn địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bổ sung kịp thời các đối tượng thuộc chương trình, hỗ trợ người dân tiếp cận vốn.
Minh Nguyễn
TAG: