Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Nữ doanh nhân chấp nhận đánh đổi để dấn thân ra “biển lớn”
03:26 PM 01/11/2018
(LĐXH)- Nhiều phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí phải lựa chọn giữa gia đình hoặc đam mê mình theo đuổi. Đây thực sự là rào cản đối với phụ nữ để họ vươn ra “biển lớn”.
Thông tin tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng", do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women đã tổ chức ngày 13/7/2018 cho thấy: Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới, với trên 31% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực. Phụ nữ Việt Nam tham gia thị trường lao động cũng khá cao, đạt 73%...
Các chuyên gia cũng khẳng định, bình đẳng giới là cơ sở, nền tảng và  điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Bất bình đẳng giới đã được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, ở nước ta, với những suy nghĩ định kiến như phụ nữ phải gắn với bếp núc gia đình, chăm sóc cho chồng con, là hậu phương lớn của gia đình… Nhiều phụ nữ khi khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí phải lựa chọn giữa gia đình hoặc đam mê mình theo đuổi. Đây thực sự là rào cản vô hình đối với phụ nữ để họ vươn ra “biển lớn”.
Đánh đổi đắt giá của một nữ doanh nhân
Bà Lê Nguyện, Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức, tỉnh Bình Thuận là chủ doanh nghiệp đầu tiên ở Bình Thuận ấp ủ và cho ra đời rượu vang thanh long có tiếng tại tỉnh này. Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, bà Lê Nguyện đã phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình của mình.
Nữ doanh nhân Lê Nguyện - người đã trải qua nhiều sóng gió gia đình để thành công trên thương trường

Ly hôn với người chồng năm 2011 với lý do ông không ủng hộ bà khởi nghiệp mà bắt ở nhà phục tùng cơm nước cho chồng con, thậm chí người chồng còn “cấm cửa” vợ tiếp xúc với xã hội bên ngoài, đập điện thoại của bà. Trong khi đó, tiềm ẩn trong con người phụ nữ này là sự bứt phá, ham muốn “ra khơi”. Khi xung đột ngày càng tăng và không thể cứu vãn, bà đã lựa chọn… thanh long. Đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình, bà tự cảm thấy mình như một “con cá ra biển lớn”, được tha hồ vùng vẫy.
Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm trí của nữ doanh nhân này, bà vẫn cho rằng phụ nữ không nên khởi nghiệp giống bà. “Tôi không muốn tất cả những phụ nữ khởi nghiệp giống như tôi, phải đánh đổi cả gia đình. Đó là cái giá quá đắt và tôi hoàn toàn không mong muốn điều đó” – bà Lê Nguyện nói.
Theo nữ doanh nhân này, phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp rất cần nhận được sự sự đồng cảm của xã hội, nhất là nam giới và người chồng của họ. Có như vậy, người phụ nữ vừa giữ được hạnh phúc gia đình, vừa thành công trong công việc. Bởi phụ nữ làm doanh nghiệp thường thiệt thòi hơn nam giới, họ vừa phải gánh vác việc gia đình, vừa lo cho công việc của doanh nghiệp. Cho nên, nếu không được sự ủng hộ, thậm chí hi sinh của người chồng, họ rất khó thành công.
“Bản chất của phụ nữ Việt Nam là luôn luôn hi sinh cho gia đình, chồng con, làm việc tận tụy, hay lam hay làm. Do đó, khi các chị khởi nghiệp, bước ra thế giới bên ngoài rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội, quan trọng nhất là phía nam giới. Người đàn ông trong gia đình phải chia sẻ, thấu hiểu, thông cảm về giờ giấc, công việc của chị em. Nhiều khi phải toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp, cho nên thời gian dành cho công việc sẽ nhiều hơn chăm sóc gia đình. Những người đàn ông có vợ khởi nghiệp thì hãy hi sinh như người vợ của mình đã làm cho gia đình” – bà Lê Nguyện chia sẻ.
Phụ nữ phải là “hậu phương?”
Những định kiến tồn tại lâu đời đã thành trở ngại đối với phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, mà câu chuyện của nữ doanh nhân Lê Nguyện là một bằng chứng điển hình. Xã hội cho rằng, phụ nữ là “chân yếu tay mềm”, phải là “hậu phương lớn” của gia đình; rồi làm sao để hài hòa, bảo đảm giữa sự thành đạt ngoài xã hội và một gia đình hạnh phúc, viên mãn… thực sự đặt lên vai chị em gánh nặng, khiến họ hạn chế cơ hội kinh doanh.
Quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho cả phụ nữ, là người chăm sóc gia đình và nam giới, là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ và nam giới.
Cũng từ quan niệm đó đã làm cho phụ nữ thiếu động lực và môi trường để khuyến khích ý tưởng và thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Các chị cũng thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; khó có cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi do nặng gánh gia đình, sinh con… Nhiều phụ nữ được hỏi đều mong muốn khởi nghiệp, thế nhưng đi đến thành công, họ gặp không ít khó khăn do sức khỏe, gia đình, rất áp lực về tinh thần, tâm lý.
Thực tế cho thấy, phụ nữ khởi nghiệp phải làm việc với 400% sức lực. Họ thường “khởi nghiệp cô đơn”, hiếm khi được sự đồng hành của chồng; sử dụng nguồn vốn cá nhân để kinh doanh mà ít được tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng. Hiện cũng chưa có định nghĩa chính thức thế nào là “phụ nữ khởi nghiệp”, hay “doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”; chính sách cho doanh nghiệp nữ chỉ được đề cập một cách chung chung, không có hướng dẫn cụ thể, điều đó khó xác định chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp nữ. Quyền lợi của phụ nữ khởi nghiệp cũng vì thế mà không được đảm bảo.
Cùng với đó, thông tin từ Diễn đàn "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" còn cho thấy, vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp. Lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương, với nữ là 21,6%, nam là 10,2% vào năm 2017. Đây là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Bên cạnh đó, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch. Giai đoạn 2009 - 2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30 USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200 USD/tháng. Cùng với đó, 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm...
Phụ nữ khởi nghiệp thường gian nan hơn nam giới (Ảnh minh họa)

Phát triển bền vững cần gắn với bình đẳng giới
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Phó tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định: “Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và bao trùm không thể nào khác hơn là tăng trưởng vì bình đẳng giới, và ngược lại, bình đẳng giới sẽ thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn".  
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân cũng cho rằng, việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Phát triển bền vững gắn với giá trị bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy và đảm bảo các giá trị bình đẳng và công bằng, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Do đó, trao quyền và tăng quyền năng cho phụ nữ đang là một xu hướng lớn của thế giới hiện đại. 
Trước đó, tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối tháng 9/2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh từng nhấn mạnh: Để nâng cao sự tham gia, đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng thì yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ. Các báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng như báo cáo của các viện nghiên cứu đều khẳng định sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Trên thực tế, khắp thế giới ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ thành đạt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đã có rất nhiều nữ CEO, nữ doanh nhân thành công và nổi tiếng trên thế giới.
Dẫn lời nữ Giám đốc điều hành của Facebook, bà Sheryl Sandberg, một trong những nữ doanh nhân công nghệ thành công nhất thế giới, rằng: “Tôi mong đợi đến một ngày mà một nửa số căn nhà của chúng ta sẽ được chăm lo bởi nam giới và một nửa các công ty và tổ chức sẽ do phụ nữ điều hành”, Phó Chủ tịch nước hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ; số lượng nữ lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ chiếm đến 50% và cao hơn nữa”.
Có thể khẳng định, phụ nữ phải được đặt vào vị trí trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế. Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận thử thách để tiến lên phía trước./.  
Nguyễn Lại Thìn
 
TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện