Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Nơi tình người tỏa sáng
09:52 AM 08/12/2017
(LĐXH)- Từng hàng chục năm, tôi như bị ám ảnh bởi mấy ca từ “Anh đi đi, người điên không biết nhớ”... trong bài hát “Mùa đông của anh” của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Cho tới gần đây, có dịp đi thực tế tại một số cơ sở nuôi dưỡng và chữa bệnh cho người tâm thần, tôi mới phần nào hiểu được những điều không chỉ người bệnh trải qua mà cả các cán bộ, nhân viên của đơn vị cũng tự nguyện nhận lấy, vì tình thương yêu dành cho những người “không biết nhớ”...
Bữa ăn của những bệnh nhân tâm thần đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm tâm thần Việt Trì
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - TBXH), cho biết: Cả nước ước tính có khoảng 300.000 người bị bệnh tâm thần nặng đang được nuôi dưỡng tại hơn 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt. Tổng số ca được chăm sóc và phục hồi chức năng tại các trung tâm trên cả nước là 13.000 ca, số người tâm thần nặng được các trung tâm thực hiện quản lý tại cộng đồng là 60.000 ca. Đặc thù của người bệnh tâm thần mãn tính đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm là hầu hết bệnh nhân không còn khả năng lao động lý liệu để phục hồi chức năng, không còn khả năng tự phục vụ bản thân. Một số bệnh nhân lên cơn kích động đập phá, kêu la, đánh nhau, tự sát… nên đã gây ra rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho cán bộ, công nhân viên chức lao động đang làm nhiệm vụ chăm sóc họ. Với những người đã mất trí nhớ, rối loạn cảm giác, không tự làm chủ bản thân mình, thì việc quản lý, chăm sóc điều trị và giáo dục đưa họ vào nề nếp là cả một quá trình gian khổ, đặc biệt là những bệnh nhân tâm thần nặng bị cách ly. Bởi vậy, những người làm công tác chăm sóc cần phải coi bệnh nhân tâm thần như người thân của mình để có thể hiểu được tâm tính, sở thích, hoàn cảnh gia đình của từng bệnh nhân thì mới tránh được rủi ro trong quá trình nuôi dưỡng và điều trị.
Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi chia sẻ về nghề CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần
Cách đây vài năm, ở thôn Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc (tỉnh Phú Thọ) xảy ra vụ án đau lòng do ông Đ.V.T (sinh năm 1968) dùng dao chém nhiều nhát vào con gái là chị Đ.T.T (sinh năm 1982) khi đang mang thai. Người dân trong tỉnh chưa kịp quên vụ án giết con tại Yên Lạc, một tháng sau, tại xã Đồng Ích (huyện Lập Thạch) lại xảy ra vụ giết người do Đ.N.Đ (sinh năm 1987) dùng búa sắt đánh nhiều nhát vào đầu mình và bố, mẹ, anh trai dẫn tới cái chết thương tâm của người bố cùng với anh trai, còn người mẹ bị thương nặng. Trước đó, một cán bộ làm công tác chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (thuộc Bộ Lao động - TBXH) đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng bị bệnh nhân tâm thần lên cơn sát hại tử vong. Tuy nhiên, các vụ án này đều được đình chỉ điều tra bởi các đối tượng gây án đều mắc bệnh tâm thần, mà theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi của họ không phải chịu trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.
Ông Phạm Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, trao đổi: Hiện nay, đơn vị đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 254 người mắc bệnh tâm thần mãn tính của các tỉnh phía Bắc nhưng cũng chỉ có 57 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 80% trực tiếp phục vụ người bệnh. Trong khi đó, người bệnh tâm thần có những đặc điểm rất riêng biệt, họ thường có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ít chú ý đến việc trả lời câu hỏi làm cho việc tiếp xúc trở nên khó khăn; dáng vẻ bề ngoài của người bệnh tâm thần kém gọn gàng, tác phong kỳ dị, khó hiểu, họ ít quan tâm và không mấy hứng thú với các hoạt động xã hội… Chính vì lẽ đó, mỗi cán bộ, viên chức của Trung tâm xác định phải có thái độ không kỳ thị, coi thường người bệnh mà ngược lại luôn gần gũi, chuyện trò, an ủi, động viên để họ hợp tác trong quá trình điều trị, vượt qua được những mặc cảm bệnh tật, vượt qua mọi khủng hoảng, lo âu, tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sỹ.  
Mô hình lao động trị liệu tại Trung tâm thần Việt Trì
Tại nhiều cơ sở Điều dưỡng người tâm thần, chúng tôi đã gặp không chỉ những đồng chí lãnh đạo đơn vị mà cả các y, bác sỹ trực tiếp điều trị và tiếp xúc hàng ngày với những người bệnh. Được biết, tại một số Trung tâm, không ít lần các cán bộ phải chạy theo đúng nghĩa là “thoát thân”, khi người bệnh rượt đuổi lúc thần kinh họ bị kích động cao độ. Họ ném bất cứ thứ gì nhặt được, một lúc sau lại ngồi với vẻ mặt phụng phịu như một đứa trẻ nũng nịu đòi quà, đương nhiên họ không nhớ mình vừa làm gì nữa. Vén cánh tay vốn dĩ đã gầy gò, bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chỉ vào một cái sẹo, nói: “Đây là dấu vết một lần bệnh nhân lên cơn cắn vào tay tôi. Hai mắt anh ấy vằn đỏ, trông rất dữ tợn. Tuy nhiên, tôi không những không giận mà còn rất thương anh ta, bởi vì anh ta hành động trong trạng thái hoàn toàn vô thức”.
Bác sỹ tận tình hướng dẫn và điều trị phục hồi chức năng cho người tâm thần
Bác sỹ Hoàng Anh Dũng, Khoa Phục hồi chức năng nệnh nhân nam (Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì) chia sẻ trong sự ngậm ngùi: “Có bệnh nhân từ ngày vào đây mấy năm rồi mà không hề thấy có người thân nào tới thăm. Chúng tôi không trách cứ gì họ song chúng tôi cần một số thông tin về tiền sử bệnh tật của bệnh nhân mà bản thân bệnh nhân không thể cung cấp. Vả lại, trong quá trình điều trị cho người bệnh nói chung và bệnh nhân tâm thần nói riêng, sự có mặt của người thân trong gia đình nhiều khi lại là những liệu pháp tâm lý rất tốt, giúp người bệnh tự tin và lạc quan hơn...”.
Chúng tôi gặp gia đình ông B.V.T (55 tuổi) ở thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) trong lần đến thăm gặp con gái bị bệnh tâm thần đang được nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Ông Tuất, cho biết: Được đưa vào đây gần 2 năm, nay cháu B.T.Y nhà tôi đã béo hơn, da dẻ có phần hồng hào, khỏe mạnh và quan trọng là cháu không đòi tự vẫn như khi ở nhà. Lúc trước, bố mẹ mải mê công việc đồng áng, không có người chăm nom là cháu lại đi lang thang vô định có khi vài tháng mới về, ở nhà nếu bị kích động hàng xóm ai cũng sợ, gia đình phải lấy dây thừng trói chân tay. Gia đình tôi thực lòng biết ơn cán bộ, bác sỹ và nhân viên Trung tâm vì từ khi vào đây cháu không còn biểu hiện mắng chửi vô cớ, tấn công lại người khác, lo sợ bị người khác hại mình như ở nhà và tinh thần ổn định đáng kể.
Thường xuyên thăm gặp bệnh nhân tâm thần của người nhà cũng có tác động tích cực đến đối tượng
Chia sẻ với chúng tôi về công chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt, ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, cho rằng: Đây là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn, gặp nhiều trở ngại nhất. Nếu đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, hộ lý không có bàn tay nhân ái và những tấm lòng nhiệt huyết thì những mảnh đời bất hạnh đó khó có thể hồi sinh trong cuộc sống. Mỗi một bệnh nhân tâm thần là một tính cách, một mảnh đời riêng, có người trầm tính ít nói, nhưng có những bệnh nhân hung hăng, bướng bỉnh nên người chăm sóc còn phải quan sát thật kỹ, phải tìm hiểu tính nết của từng người bệnh. Nhân viên làm công tác chăm sóc phải xác định được mình là người thân, người bạn để bệnh nhân gửi gắm tâm sự và chia sẻ, hàng ngày gắn bó, chăm sóc, giúp đỡ từ miếng cơm, chén nước đến vệ sinh thân thể như tắm gội, cắt tóc, tỉa móng chân móng tay hay giặt giũ quần áo... Có thể nói, việc chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần là một “nghề”, nghề mà không phải ai cũng có thể làm được bởi chỉ có những con người chịu khó, nhẫn lại và nhiều khi còn phải “nhiễm nhân cách” của người bệnh để thể hiện tấm lòng của con người với con người thì mới làm tốt công việc này được.
Mô hình dạy nghề làm vàng mã tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hà Nội
Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng kết hợp với điều trị duy trì và hoạt động công tác xã hội để can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt, nhiều trung tâm trong cả nước đã và đang nghiên cứu vận dụng, triển khai các mô hình dạy nghề và lao động trị liệu cho bệnh nhân đã mang lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến mô hình hướng dẫn nghề làm vàng mã ở Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã tạo được sự hăng say của người bệnh. Học nghề với người bình thường đã khó, học nghề với bệnh nhân tâm thần còn khó hơn rất nhiều lần và là cả một hành trình đầy khó khăn, thử thách. Chứng kiến cái sự học của các “học trò khó tính” cứ nhớ nhớ quên quên, hướng dẫn một đằng lại làm một kiểu, cũng có khi làm được rồi nhưng lại tự làm hỏng thì mới cảm nhận được sự tận tâm và nỗi vất vả của những người làm công việc này.
Từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân của bệnh nhân cũng được nhân viên tân tình giúp đỡ
Phải rồi, nếu “người điên không biết nhớ” thì ngược lại, những cán bộ làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng và chữa bệnh cho người tâm thần phân liệt, phải biết “quên đi” những thiệt thòi và thậm chí những tình huống nguy hiểm, khi hàng ngày tiếp xúc với những bệnh nhân có hệ thần kinh bất định. Hơn ở đâu hết, tại những cơ sở này không chỉ lương tâm nghề nghiệp tỏa sáng mà cả tình cảm giữa người với người cũng như ngọc lung linh. Các y, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng... theo đúng nghĩa là “cúi xuống” cuộc đời người bệnh, buồn nỗi buồn khi người bệnh khóc, đau nỗi đau khi người bệnh vật vã lên cơn. Dỗ một đứa trẻ biếng ăn đã khó, bón cho một người lớn tâm thần khi họ không muốn ăn còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, điều mà chúng ta vẫn gọi là “lương y” đã giúp họ làm được những việc mà nhiều người khác khó có thể làm được, chí ít là không dễ hình dung ra.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh